Đề xuất chuyển khu chế xuất Tân Thuận thành khu dịch vụ cho Thủ Thiêm
Nguyên Phó Bí thư Thường trực TP HCM Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần điều chỉnh Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm hậu cần cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm.
Ngày 28/6, Quận ủy quận 7 phối hợp với Học viện Cán bộ TP HCM tổ chức hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển quận 7 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Sau 25 năm thành lập, quận 7 từ một vùng đầm lầy hoang sơ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, nay phát triển mạnh mẽ nhất khu nam TP HCM với khu đô thị Phú Mỹ Hưng 400 ha, khu chế xuất Tân Thuận 300 ha.
Bàn đến vị trí của Khu chế xuất Tân Thuận - nơi được xem là trụ cột tạo dựng lên quận 7, ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP HCM, đặt vấn đề Khu chế xuất Tân Thuận nên được tiếp tục duy trì định hướng sản xuất công nghiệp xuất khẩu hay để 300 ha đất ở giữa nội thành mới, có xung lực mới, tạo ra sự bứt phá mới cho sự phát triển của thành phố sau 30 năm ra đời?
Ông Nguyễn Văn Đua cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh chức năng Khu chế xuất Tân Thuận sang khu dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, văn phòng làm việc, khách sạn, thương mại chất lượng cao, làm hậu cần cho Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm. Việc này nếu làm đồng bộ với điều chỉnh Quy hoạch chung TP HCM đang được tiến hành thì "rất thuận lợi, khả thi".
Bên cạnh đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tác động đến các nhà đầu tư hạ tầng khu chế xuất, hạ tầng khu công nghiệp, đến các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp Việt Nam và FDI để di dời nhà máy.
Bao gồm cả việc xem xét cho kéo dài thêm thời gian cho thuê đất so với thời gian còn lại của nhà đầu tư hạ tầng Khu chế xuất Tân Thuận đã được thuê, đủ để nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư dịch vụ an tâm đầu tư; cũng như chính sách cho thuê đất, kéo dài thêm thời gian thuê đất thỏa đáng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Ngoài ra, chính sách cần đạt tác động kép sao cho quá trình dịch chuyển đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, các nhà máy này được đổi mới công nghệ đạt trình độ tiên tiến hơn, với năng suất lao động hơn, gắn với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, khu chế xuất Tân Thuận được lập cách đây hơn 30 năm, là khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, mô hình kiểu mẫu, tiền đề ra đời hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM và cả nước.
Hiện khu chế xuất Tân Thuận rộng khoảng 300 ha, hết hạn thuê đất vào tháng 9/2041, trong đó có khoảng 195 ha xây dựng nhà máy, nhà kho được cần chuyển đổi và di dời sớm do công năng sử dụng không còn phù hợp và đem lại nguồn thu ngân sách thấp, không tương xứng với quy mô diện tích, gây ô nhiễm môi trường.
UBND quận 7 đề xuất điều chỉnh thành khu công nghệ cao xen kẽ đất ở và dịch vụ thương mại, kết nối khu đô thị Thủ Thiêm thành một quần thể đem lại lợi ích phát triển kinh tế và tạo điểm nhấn đối xứng với bờ sông Sài Gòn.
Còn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đặt ra yêu cầu thành phố phải đánh giá lại công năng của Khu chế xuất Tân Thuận để tái cơ cấu. Đồng thời, địa phương phải tính toán xem nơi đây có còn dư địa để phát triển theo hướng công nghiệp hay không.
Theo ông Mãi, nếu chỉ định vị quận 7 trong khu Nam của TP HCM và trong TP HCM là chưa đủ, bởi ngoài vị trí là cửa ngõ phía Nam của thành phố theo trục kết nối Đông-Tây, quận còn có vị trí là trục ven biển. Như vậy, quận 7 có thuận lợi cả về đường bộ và đường thủy. Chủ tịch nhấn mạnh cho nếu chiến lược phát triển ra biển tốt, quận 7 sẽ là nơi tiếp cận và khai thác lợi thế mặt tiền biển rất hiệu quả.