Đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT (bài 6)
Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT về việc quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa lệnh của Thủ tướng trả lời Hiệp hội bằng văn bản.
Bài 6: Xé lẻ quản lý Nhà nước về giáo dục là dị biệt trong đào tạo
Trước đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất chuyển vai trò quản lý Nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, TS Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh việc cần thiết phải chuyển hệ cao đẳng về giáo dục đại học, do Bộ GD&ĐT quản lý.
- Xin được hỏi, quan điểm của ông liên quan đến quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp?
- Đây là một vấn đề không mới. Câu chuyện các trường cao đẳng do ai quản lý đã hình thành từ khi Việt Nam phát sinh khái niệm cao đẳng nghề. Sự tồn tại trong một thời gian dài 2 loại cao đẳng: Cao đẳng bình thường (bây giờ hay bị gọi là cao đẳng chuyên nghiệp nhưng thực ra không có khái niệm đó) và cao đẳng nghề đã khiến xã hội thắc mắc là vì sao có 2 loại cùng tên, dường như cùng trình độ mà lại do 2 Bộ quản lý khác nhau.
Đến khi Luật Dạy nghề được sửa đổi và đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp thì trình độ cao đẳng bị “quàng” vào khu vực dạy nghề, hay giáo dục nghề nghiệp. Nó dẫn đến quyết định năm 2016 về việc giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý các trường cao đẳng và trung cấp.
Việc giao cho cơ quan nào quản lý không phải là vấn đề lớn. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là việc quản lý đó được thực hiện theo khuôn mẫu, chuẩn mực nào.
Theo tôi vấn đề cần kíp nhất là các trường cao đẳng, có các mục đích đào tạo khác nhau, hướng đến các ngành đào tạo hay nghề nghiệp nhất định rất khác nhau, cần được quản lý và hỗ trợ thế nào để phát triển tốt nhất. Từ đó góp phần cho phát triển nguồn nhân lực của đất nước, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các cơ sở đào tạo cao đẳng có thể do nhiều cơ quan, tổ chức quản lý. Nhưng cần có một khung pháp lý thống nhất, đảm bảo được chất lượng đào tạo và sự phát triển của người học cũng như phục vụ xã hội tốt nhất.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa hệ cao đẳng về Bộ GD&ĐT quản lý?
- Sau khi nhận bàn giao, Bộ LĐ-TB&XH đã đồng nhất tất cả các loại cao đẳng thành một và áp dụng một hệ quy chiếu chung. Đó là quy định, chuẩn mực và cách quản lý đối với các trường cao đẳng nghề trước đây cho tất cả các trường cao đẳng.
Điều này dẫn đến nghịch lý là khối kiến thức, kĩ năng của các ngành đào tạo khác nhau bị áp đặt phải đi theo một cách hiểu và làm duy nhất. Nó mang nặng màu sắc của đào tạo các kĩ năng thực hành cụ thể. Nó cũng bỏ qua đặc thù của các ngành đào tạo khác nhau, nhất là các ngành đào tạo có tính chuyên nghiệp cao.
Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 cũng rất “thoáng” khi quy định thời gian đào tạo cao đẳng từ 1 - 3 năm dẫn đến năng lực thực sự của người học không đảm bảo, bị xã hội nghi ngờ. Và với khối lượng học tập như vậy, việc một số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng khó có cơ hội học tiếp theo hình thức liên thông là điều dễ hiểu.
Việc đưa các trường cao đẳng (trừ cao đẳng sư phạm) về Bộ LĐ-TB&XH quản lý dẫn đến áp dụng máy móc các chuẩn mực chung về kết quả đầu ra của hệ đào tạo tay nghề. Điều này không phản ánh được các khác biệt trong khối lượng kiến thức và kĩ năng được đào tạo, cũng như khả năng hành nghề của sinh viên sau tốt nghiệp trong các chương trình đào tạo khác nhau.
Hệ thống cao đẳng nghề và các chuẩn mực đi kèm không hướng đến chuẩn bị cho sinh viên theo học một phần kiến thức đại học (theo cách phân loại của UNESCO thì cao đẳng là giai đoạn đầu của giáo dục đại học). Vì vậy, việc đồng hóa các loại cao đẳng khác nhau vào mô hình này làm cho việc phát triển nhân lực của ta bị thụt lùi so với xu thế của khoa học kỹ thuật và trào lưu chung của thế giới.
Từ đó, hệ thống đảm bảo chất lượng bị phân mảnh vì sự phân mảnh quản lý, dẫn đến không đồng bộ trong chất lượng đào tạo.
Chính vì sự đánh đồng này đã dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý và tiến hành đào tạo các chương trình hệ cao đẳng đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn chuyên sâu.
- Ý ông là, tiếp tục mô hình quản lý như hiện nay sẽ gây ra những hệ lụy đối với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực?
- Quan điểm của tôi là không câu nệ ai quản lý. Cái chính là nó cần có một khung pháp lý chung cho quản lý hành chính đối với các cơ sở đào tạo, nhất là trung cấp - cao đẳng và đại học. Việc phân công ai làm mảng nào tùy thuộc vào sự phân cấp của Quốc hội và Chính phủ.
Quản lý Nhà nước về giáo dục phải có một hệ thống chung từ luật, các văn bản dưới luật đến các tiêu chuẩn, các thủ tục quản lý. Trên cơ sở khung pháp lý chung về quản lý Nhà nước về giáo dục thì các cơ quan của Chính phủ có thể được phân công theo dõi, quản lý các mảng khác nhau. Điều này sẽ đảm bảo được sự thống nhất về kết quả đào tạo cũng như tính hệ thống trong tổ chức đào tạo nhân lực.
Xin nhấn mạnh, nếu còn tiếp tục xé lẻ hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục như hiện nay sẽ dẫn đến sự phân rã trong cơ cấu, dị biệt trong tổ chức đào tạo và làm ảnh hưởng rất nhiều đến người học, cũng như các đơn vị sử dụng lao động qua đào tạo.