Đề xuất đánh thuế chuyển nhượng nhà ở theo các mức tăng dần

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, theo điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ sở hữu nhà ở của các hộ gia đình Việt Nam là 88,1% thuộc nhóm cao nhất thế giới. Vậy, tại sao nhu cầu về nhà ở tại các đô thị vẫn là vấn đề bức thiết?

Hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Các vấn đề về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, điều kiện mua bán nhà ở xã hội, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong phát triển nhà ở xã hội… nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng cần nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai, từ đó có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu, miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng cần có chính sách ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng cần có chính sách ưu đãi những người mua nhà lần đầu, hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai. Ảnh: Quốc hội

“Tôi tán thành với quy định tại khoản 5 Điều 86, đó là chỉ chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với nguyên giá mua ban đầu nếu không có nhu cầu về ở và mở rộng đối với thời gian là sau 5 năm kể từ khi mua. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội, cũng như nhà ở xã hội là để ở, không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức” đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đề nghị có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua, cùng với đó là chính sách đồng bộ về giải quyết việc làm tại nông thôn để hạn chế tình trạng di dân về đô thị.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn Quảng Ngãi) cho biết, Điều 85 dự thảo Luật quy định xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư không bằng vốn đầu tư công trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, lãi vay, chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm cả chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị quy định tiêu chí tối thiểu về nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị quy định tiêu chí tối thiểu về nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội

Còn quy định tại Điều 83 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% đối với diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, theo đại biểu đoàn Quảng Ngãi, nếu tính đủ chi phí, người dân có thể không thuận lợi trong việc tiếp cận nhà ở xã hội, hoặc ngược lại thì chất lượng nhà ở xã hội có thể khó đáp ứng yêu cầu.

“Cần tiếp tục hoàn thiện một số nguyên tắc ràng buộc liên quan tiêu chí tối thiểu về chất lượng nhà ở xã hội, tính toán đến cơ cấu vốn hợp lý, trong đó có vốn huy động tối thiểu để hình thành dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp tục nhà ở xã hội”, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị.

Đồng thời, đại biểu đoàn Quảng Ngãi cũng đề nghị hoàn thiện các quy định về chính sách theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, thay vì chỉ chủ yếu hỗ trợ qua chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Quy định linh hoạt trách nhiệm của chủ đầu tư

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị quy định các chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính để góp phần phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ. Phương án tài chính đóng góp có thể xem xét tương đương 20% mức giá trị quỹ đất đáng ra phải trích để làm nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đồng tình tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đồng tình tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: Quốc hội

Cho biết quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều, cả nước mới quy hoạch được 3.359, 07 héc ta và mới đạt được 36,34% so với nhu cầu đến năm 2020, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) đồng tình tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong xây dựng nhà ở xã hội với phương thức thực hiện linh hoạt.

“Nếu quy định các địa phương phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội sẽ không đi vào thực tế được ngay, bởi Luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, lúc này quy hoạch của các địa phương hầu hết đã được phê duyệt và chỉ có thể thực hiện từ năm 2026 trở đi. Như vậy, nếu không quy định trách nhiệm chủ đầu tư nhà ở thương mại xây dựng nhà ở xã hội thì tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ lại càng trầm trọng”, đại biểu phân tích.

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Phát biểu làm rõ một số vấn đề tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về trách nhiệm của chủ dự án nhà ở thương mại, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất là quy định trách nhiệm xã hội của chủ dự án, đây là quy định kế thừa của pháp luật hiện hành nhưng có đổi mới ở phương thức thực hiện.

Dự thảo Luật quy định phương thức thực hiện linh hoạt, tùy từng dự án mà Chính phủ sẽ quy định một cách cụ thể, chỗ nào phù hợp thì bố trí 20% quỹ đất ở trong dự án nhà ở thương mại, chỗ khác không phù hợp thì có thể bố trí quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng ở vị trí khác do tỉnh quy định để thực hiện phát triển nhà ở thương mại, hoặc quy đổi ra thành tiền để đóng vào, tương đương với giá trị quỹ đất và hạ tầng.

“Với phương thức rất linh hoạt như vậy thì phù hợp và tháo gỡ được vướng mắc thực tiễn hiện nay. Qua hội thảo chúng tôi phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan tổ chức thì đa số các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn về kinh doanh bất động sản cũng đồng tình với quy định này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-danh-thue-chuyen-nhuong-nha-o-theo-cac-muc-tang-dan-159902.html