Đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán và vốn góp lên tới 20%

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) với nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó đề xuất áp dụng mức thuế 20% đối với phần lãi thực tế từ chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán và vốn góp.

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 20% đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, tính theo từng lần giao dịch. Thu nhập tính thuế được xác định là phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua, cộng với các chi phí hợp lý liên quan.

Trong trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan, thuế sẽ được tính trực tiếp trên giá bán với mức thuế suất lũy tiến theo thời gian nắm giữ. Cụ thể, bất động sản nắm giữ dưới 2 năm chịu thuế 10%; từ 2 đến dưới 5 năm là 6%; từ 5 đến dưới 10 năm là 4%; từ 10 năm trở lên là 2%. Riêng bất động sản có nguồn gốc thừa kế hoặc tặng cho vẫn áp dụng mức thuế suất cố định 2%, không phụ thuộc thời gian sở hữu, tương tự quy định hiện hành.

Đề xuất này nhằm minh bạch hơn trong việc tính thuế chuyển nhượng, đồng thời khuyến khích người dân kê khai đúng giá giao dịch thực tế và nắm giữ tài sản dài hạn.

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân 20% trên lãi từng lần chuyển nhượng bất động sản - Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân 20% trên lãi từng lần chuyển nhượng bất động sản - Ảnh minh họa.

Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thay đổi phương pháp tính thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn và chứng khoán theo hướng linh hoạt hơn. Theo đó, cá nhân sẽ được quyền lựa chọn một trong hai phương pháp tính thuế: dựa trên phần lãi thực tế hoặc áp dụng tỷ lệ cố định trên giá bán.

Cụ thể, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, nếu người nộp thuế có đầy đủ chứng từ chứng minh được giá mua và các chi phí hợp lý liên quan, thuế TNCN sẽ được tính theo thuế suất 20% trên phần chênh lệch giữa giá bán và tổng giá mua cộng chi phí. Ngược lại, nếu không xác định được đầy đủ các yếu tố này, thuế sẽ được tính 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng.

Tương tự, đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cá nhân có thể lựa chọn cách tính thuế dựa trên lãi thực tế: [(Giá bán - Giá mua - Chi phí) × 20%], áp dụng theo năm. Trong trường hợp không thể xác định được giá mua và chi phí, thuế sẽ được tính trực tiếp bằng 0,1% trên giá bán chứng khoán, theo từng lần giao dịch.

Theo Bộ Tài chính, việc cho phép người nộp thuế lựa chọn giữa hai phương pháp nhằm tăng tính linh hoạt, phản ánh đúng thực tế giao dịch và giảm áp lực kê khai, nhất là với các trường hợp giao dịch cổ phiếu đã nắm giữ lâu năm hoặc không còn đủ hồ sơ xác minh. Đồng thời, điều này khuyến khích người dân kê khai đầy đủ, chính xác chi phí hợp lý để được hưởng mức thuế ưu đãi hơn.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ thời điểm phát sinh thu nhập tính thuế là thời điểm hoàn tất giao dịch, căn cứ theo quy định pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, đối với chứng khoán là thời điểm thanh toán, còn với chuyển nhượng vốn là thời điểm hợp đồng được công chứng hoặc xác lập hiệu lực pháp lý.

Hiện dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế) đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương và người dân trước khi trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới.

Vũ Đậu

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/de-xuat-danh-thue-thu-nhap-ca-nhan-voi-chuyen-nhuong-bat-dong-san-chung-khoan-va-von-gop-len-toi-20.html