Đề xuất đầu tư 68.980 tỷ đồng xây cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài 197 km, quy mô 4 làn xe sẽ được ưu tiên đầu tư trước đoạn tuyến An Giang đến Sóc Trăng.
Bản đề hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có quy mô 4 làn xe này có chiều dài 197,22 km với điểm đầu tại cửa khẩu Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và kết thúc tại Km81+750 Quốc lộ Nam Sông Hậu, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư toàn Dự án vào khoảng 68.980 tỷ đồng.
CIPM Cửu Long đề nghị phân kỳ đầu tư theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoan 1 đầu tư trước 105 km đoạn từ nút giao với đường tỉnh 943 (Km61+606 lý trình tuyến), huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 60, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng theo quy mô 4 làn xe hạn chế; vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I là 23.618 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Dự án giai đoạn I sẽ khởi công vào năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài Dự án giai đoạn I cũng là ưu tiên I, trong trường hợp có đủ nguồn vốn, CIMP Cửu Long đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư đoạn tiếp theo từ Quốc lộ 60 đến cảng nước sâu Trần Đề dài 30,62 km trong giai đoạn sau năm 2030 khi cảng nước sâu này được đưa vào hoạt động để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên thông trong khu vực.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là một trong ba tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang dọc sông Hậu, kết nối các khu cảng biển tại Cần Thơ, cảng nước sâu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, các trung tâm thành phố lớn như Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc và các cửa khẩu quốc tế dọc tuyến biên giới giáp Campuchia.