Đề xuất điện một giá bị bác bỏ vì vô lý, thiếu minh bạch, không hợp thời

Theo các chuyên gia, cơ chế điện một giá không nhận được sự đồng tình của dư luận vì đã đánh đồng các hộ tiêu dùng điện, thiếu minh bạch, rõ ràng và chưa hợp thời.

Điện một giá chưa hợp thời

Trước phản ứng gay gắt của dư luận và người dân, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - đơn vị xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện - đề xuất rút phương án một giá điện và tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi biểu giá điện 5 bậc thang cho phù hợp hơn.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc sửa đổi biểu giá là cần thiết. Tuy nhiên, nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện là phải hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu người dân trong đời sống, sinh hoạt, phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, tạo điều kiện cho EVN có lãi.

Do đó, cơ chế điện một giá đang đánh đồng các hộ tiêu dùng điện, sử dụng điện, vi phạm nguyên tắc của ta trong xây dựng biểu giá bán lẻ điện là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ chế an sinh xã hội. “Việc tồn tại hai phương án đã là vô lý, méo mó, đi ngược nhau, không cùng chung một nền tảng”, ông Tuấn Anh thừa nhận.

Cũng theo ông Tuấn Anh, phương án điện một giá chỉ áp dụng cho giai đoạn tới, khi Việt Nam có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, có công cụ và pháp lý, đảm bảo vai trò nhà nước với an sinh xã hội, với người còn khó khăn. Khi đó mới đủ cơ sở thực hiện cơ chế điện một giá này.

Từ đó, ông Tuấn Anh đề nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tiếp tục chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện các phương án biểu giá điện mới, thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng, giữ vững nguyên tắc và mục tiêu xây dựng biểu giá điện sinh hoạt về đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo và khuyến khích tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Chung quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, phương án điện một giá chỉ áp dụng khi Việt Nam có bán lẻ điện cạnh tranh. “Khi có thị trường điện cạnh tranh lành mạnh thực sự thì có thể triển khai phương án điện một giá. Vì xu hướng cạnh tranh, ép giá bán gần giá thành, buộc doanh nghiệp có cạnh trạnh phấn đấu giảm giá thành, điều đó có lợi cho người dân. Không cần ai quyết định giá điện mà để thị trường quyết định”, ông Long nói.

Chưa thận trọng, nhìn nhận toàn diện

Theo nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long, việc Bộ Công Thương rút phương án điện một giá là đúng. Theo ông Long, chính sách giá điện xây dựng hiện nay phải đạt được 5 mục tiêu: tính đúng tính, đủ giá thành điện; đảm bảo cân đối cân bằng tài chính cho Tập đoàn Điện lực (EVN); chú ý chính sách tiết kiệm điện; giảm bù chéo trong các biểu giá và phải đảm bảo an sinh xã hội.

Người dân và dư luận không đồng tình với phương án một giá điện Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. (Ảnh: EVN)

Người dân và dư luận không đồng tình với phương án một giá điện Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến. (Ảnh: EVN)

Do nhiên liệu sản xuất điện chủ yếu là khoáng thạch, không phải là tài nguyên vô hạn. Thứ nữa, nguồn cung cấp điện hiện không đủ cầu nhu cầu tiêu dùng nên phải sử dụng tiết kiệm. Đặc biệt, trong xã hội còn nhiều người thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn nên chính sách phải đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế. “Đưa ra phương án giá điện mà chưa tính đến các yếu tố quan trọng này là nhận thức chưa thận trọng, toàn diện. Qua việc này có thể thấy, một trong những vấn đề Bộ Công Thương gặp phải là chưa cân nhắc chính sách giá điện là gì”, ông Long nói.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, việc người dân và dư luận phản ánh gay gắt phương án điện một giá mà Bộ Công Thương đưa ra thời gian qua là hoàn toàn bình thường vì thấy bất hợp lý.

“Đơn vị xây dựng dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện rút điện một giá vì chưa minh bạch trong tính giá bình quân bán lẻ sinh hoạt. Nếu minh bạch cái đó thì không bao giờ người ta phản đối. Phương án 2 gồm 5 bậc thang và một giá điện, nhưng chia theo 2 kịch bản 2A và 2B, trong đó phương án một giá điện được tính bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.703 - 2.890 đồng một kWh hoàn toàn bất hợp lý, không rõ ràng, minh bạch…”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng bày tỏ quan điểm không nên đưa ra phương án điện một giá vào lúc này.

Theo ông Tân, ban soạn thảo cần tính đến việc cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên. “Quan điểm của người tiêu cùng là cần điều chỉnh lại biên độ biến thiên của biểu giá điện bậc thang theo hướng nhất quán cũng như giải quyết được vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao”, ông Tân cho hay.

Trong dự thảo mới nhất về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất cách tính một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.704-2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT. Bộ Công Thương hy vọng phương án tính giá điện mới sẽ tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, giúp hài hòa lợi ích giữa người dân và ngành điện. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ nhiều băn khoăn về cách tính mới và mức giá dự kiến áp dụng.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng phương án điện một giá trên chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tồn tại nhiều bất cập, không thể áp dụng lâu dài. Nguyên nhân do mức giá bán như trên cao hơn mức bình quân, nên người có thu nhập cao, dùng nhiều điện sẽ chọn phương án điện một giá. Ngược lại người có thu nhập thấp, sử dụng ít chịu thiệt thòi.

“Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đảm bảo nhiều mục tiêu như hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo an sinh xã hội, lại khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm… nên nếu áp dụng điện một giá như đề xuất thì sẽ không có lợi cho người có thu nhập thấp, trong khi đây là nhóm đối tượng cần hỗ trợ”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho rằng dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này chưa khắc phục được thực trạng giá điện sinh hoạt cao hơn sản xuất, bù chéo cho các ngành khác, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 30% tổng sản lượng điện.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu quan điểm, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến tối thiểu ba mục tiêu gồm phản ánh chi phí, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện năng, và tính đến các yếu tố an sinh xã hội.

“Nguyên lý tính giá chia bậc thang rõ ràng người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều. Tức là càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?”, ông Hồi đặt câu hỏi.

Trong khi đó, về mức giá dự kiến từ 2.703-2.890 đồng một kWh, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, nhận xét cao so giá bình quân. “Một giá thì phải cao hơn giá bình quân? Tuy nhiên, để đưa ra những con số cụ thể, cơ quan soạn thảo gần làm rõ với dư luận cơ sở về những con số này”, ông Long nói.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-xuat-dien-mot-gia-bi-bac-bo-vi-vo-ly-thieu-minh-bach-khong-hop-thoi-ar564767.html