Đề xuất doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu
Nội dung đáng chú ý này được Bộ Công thương đề xuất trong nghị định mới liên quan đến công thức và cơ chế giá xăng dầu hiện nay.
Bộ Công thương đang xin ý kiến về dự thảo nghị định mới nhằm thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, một số vấn đề “nóng” như quản lý, sử dụng quỹ bình ổn, hoạt động của các thương nhân đầu mối, giá xăng dầu đã được phân tích cụ thể với giải pháp tương ứng.
Điển hình là cơ chế giá xăng dầu, hiện tại, việc điều hành giá xăng dầu diễn ra theo cơ chế: Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành giá cơ sở, rà soát điều chỉnh các khoản chi phí cấu thành, thuế thu nhập bình quân gia quyền hàng quý và thông báo cho Bộ Công thương để áp dụng cho công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.
Căn cứ phương pháp tính giá cơ sở nêu trên, Bộ Công thương tính toán, công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần.
Dựa trên mức giá cơ sở do liên bộ công thương – tài chính phối hợp công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh và phân phối tổ chức giá bán lẻ trong hệ thống.
Nhìn nhận cơ chế điều hành này chưa đảm bảo theo cơ chế thị trường cũng như tạo môi trường cạnh tranh, Bộ Công thương khuyến nghị phương án nhà nước không tham gia điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh căn cứ các yếu tố cố định như thuế, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá được tính theo công thức: Giá bán xăng dầu tối đa = (giá xăng dầu thế giới x tỷ giá ngoại tệ) + các loại thuế như: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.
Đối với địa bàn xa cảng, cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao, thương nhân được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí nhưng không vượt quá 2% giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Bộ Công thương cho rằng, phương án này sẽ giúp thương nhân và cơ quan quản lý không phải tính toán, công bố định kỳ các chi phí.
Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí, đồng thời thương nhân hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh để xây dựng giá bán xăng dầu và có quyền bán thấp hơn giá trần theo công thức giá.
Bộ Công thương quản lý xăng dầu lỏng lẻo, nhiều vi phạm
Đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ một số bất cập trong kinh doanh và quản lý nhà nước mặt hàng này năm năm vừa qua.
Điển hình, Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành giá không chính xác, không sát thị trường như: quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá thiếu cơ sở pháp luật, áp dụng “định mức” về chi phí từ nhiều năm trước không phù hợp thị trường.
Chi phí Premium đưa vào giá cơ sở lớn hơn chi phí premium thực tế tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh, áp dụng chi phí định mức cố định ban hành từ năm 2014 không phù hợp với thực tế.
Trong khi đó, Bộ Công thương căn cứ cơ sở tính bình quân 15 ngày/10 ngày giá xăng dầu thế giới và các chỉ tiêu do Bộ Tài chính thông báo để áp dụng và tính giá cơ sở xăng dầu.
Từ đây, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu không tính đúng, tính đủ theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác như thuế nhập khẩu, vận chuyển, bảo hiểm, premium và không theo kịp biến động của thị trường.
Hệ quả, khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ (như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng, Tổng công ty xăng dầu quân đội năm 2022 đăng ký hạn mức nhập khẩu xăng dầu giảm, mặt hàng xăng hạn mức nhập khẩu bằng 0).
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Liên quan tới ý kiến cho rằng thương nhân đầu mối phải sở hữu kho chứa để làm điều kiện kinh doanh, Bộ Công thương vẫn bảo lưu phương án tiếp tục cho phép doanh nghiệp được thuê kho như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ hồi tháng 10/2023.
Đặc biệt, nêu trong dự thảo nghị định mới, Bộ Công thương bổ sung điều kiện tham gia thị trường xăng dầu đối với doanh nghiệp.
Cụ thể, để trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh cần phải đảm bảo thời gian 3 năm liên tiếp phân phối xăng dầu, không bị xử lý vi phạm (trong đó có hình thức tước giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối).
Bên cạnh đó, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu cũng được tính tới cho đối tượng thương nhân đầu mối.
Theo Bộ Công thương, thương nhân đầu mối mới tham gia thị trường phải có trách nhiệm thực hiện tối thiểu 100 nghìn m3 tấn xăng dầu/năm. Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được tính dựa trên lượng xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước, xăng dầu mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối không được tính vào tổng nguồn.
Một nội dung mới khác được nêu trong dự thảo nghị định là thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau như trước.
Trước đó, Luật Đầu tư cũng như các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã mở cho nhiều loại hình thương nhân kinh doanh, thương nhân phân phối được mua từ nhiều nguồn từ đầu mối và bất kỳ thương nhân phân phối nào.
Hiện tại, hệ thống phân phối xăng dầu gồm: thương nhân đầu mối (bao gồm cả đầu mối kinh doanh, đầu mối sản xuất), thương nhân phân phối (lấy xăng dầu nhiều nguồn từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối khác), đại lý bán lẻ (lấy từ 1-3 nguồn), thương nhân nhận quyền bán lẻ (lấy xăng dầu từ một nguồn).
Bộ Công thương đánh giá, việc mua/bán xăng dầu của các thương nhân phân phối vẫn thuộc tổng nguồn xăng dầu của thương nhân đầu mối, không phát sinh thêm nguồn cung.
Bên cạnh đó, việc cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.
Vấn đề này cũng đã được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây. Theo đó, giữ trọng trách tạo nguồn cung cho thị trường cũng như dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc, nhưng thương nhân đầu mối kinh doanh được mua bán xăng dầu với nhau, đã làm giảm nguồn cung cho thị trường.
Khi diễn ra mua bán xăng dầu giữa các thương nhân đầu mối, cũng như các thương nhân phân phối với nhau, đã tạo ra tầng trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông.
Hệ quả của việc này là trong năm năm qua, một số thương nhân đầu mối mua bán xăng dầu hưởng chiết khấu/chênh lệch giá gần 9.770 tỷ đồng.