Đề xuất đổi tên TAND TP Hà Nội thành TAND phúc thẩm Hà Nội

Tại dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện.

Sáng 7-9, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay dự thảo luật kế thừa những quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới.

Không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo đó là việc bổ sung nhiều quy định để hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án. Trong đó, dự thảo luật quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện.

“Ví dụ, TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…” - ông Tiến dẫn chứng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Dự án luật đã qua quá trình nung nấu, thai nghén lâu dài

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, TAND Tối cao đã báo cáo Quốc hội sẽ sửa Luật Tổ chức TAND vì vướng quá. Đầu nhiệm kỳ này, dự án luật này được đưa vào nghị quyết xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.

Công tác chuẩn bị không phải chỉ diễn ra mấy tháng gần đây. Dự án luật đã trải qua quá trình nung nấu, thai nghén lâu dài, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn… chứ không phải là những suy nghĩ bột phát.

“Thời gian ít quá, tôi hứa tất cả nội dung chúng tôi sẽ có giải trình cho Ủy ban Tư pháp, kể cả ý kiến của Chính phủ. Có vấn đề gì không hiểu, còn băn khoăn, tôi sẽ đến trực tiếp giải trình cho các đồng chí” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo phó chánh án TAND Tối cao, quy định trên để thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW. Việc thay đổi cũng không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của tòa án trong Nhà nước pháp quyền XHCN.

Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết đa số ý kiến không đồng ý với quy định trên. Những người theo quan điểm này cho rằng việc “đổi tên” nhưng thẩm quyền xét xử của các tòa án không thay đổi; không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương và phát sinh chi phí.

“Độc lập giữa các cấp xét xử không hoàn toàn phụ thuộc vào tên gọi của tòa án” - luồng ý kiến không ủng hộ nêu quan điểm.

Trong khi đó, ý kiến khác trong nhóm nghiên cứu tán thành với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo. Ý kiến này cho rằng quy định như dự thảo không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp; không phát sinh thêm đầu mối, biên chế; không xáo trộn về tổ chức cán bộ.

Trao đổi về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định cơ quan soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, không có quốc gia nào gọi là tòa án huyện hay tòa án tỉnh cả. “Toàn thế giới này, người ta gọi là tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm, tòa án cấp cao và tòa án tối cao” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Không ai muốn suốt đời làm thẩm phán sơ cấp

Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm đó là dự thảo quy định thẩm phán bao gồm thẩm phán TAND Tối cao (ba bậc) và thẩm phán (chín bậc); trong khi luật hiện hành quy định các ngạch thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.

Đa số ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với đổi mới về ngạch, bậc thẩm phán như đề xuất của TAND Tối cao và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở quy định thẩm phán gồm có chín bậc; việc chuyển ngạch thẩm phán hiện nay sang bậc thẩm phán theo dự thảo được thực hiện như thế nào?

Trong khi đó có ý kiến không tán thành vì cho rằng việc quy định các ngạch thẩm phán như hiện nay cơ bản đã đảm bảo sự phân hóa về tiêu chuẩn, điều kiện, trình độ, năng lực của từng ngạch thẩm phán. Ngạch thẩm phán càng cao thì yêu cầu, điều kiện bổ nhiệm càng cao, càng chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, quy định hiện hành là “động lực để thẩm phán phấn đấu, rèn luyện; nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng xét xử để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Ở nước ta, các ngạch thẩm phán được quy định, thực hiện ổn định từ trước đến nay và cơ bản không có vướng mắc gì lớn.

Về nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Các nước chỉ có thẩm phán thôi và thẩm phán bình đẳng với nhau” và cho hay đây là ý nguyện của gần 6.000 thẩm phán công tác ở cấp huyện.

“Bây giờ anh em nói từ khi vào ngành đến khi nghỉ hưu, suốt đời làm (thẩm phán) sơ cấp. Trong khi người dân thì nói thẩm phán sơ cấp xử không tin được, phải thẩm phán cao cấp xử mới tin” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ vướng mắc từ thực tiễn.

“Nếu các đồng chí ngồi đây là thẩm phán cấp huyện, các đồng chí sẽ là tiên phong trong việc sửa quy định này, tôi tin là như vậy. Chúng ta hướng anh em phấn đấu bằng con đường nghề nghiệp, chuyên môn, không phải con đường chức vụ, vậy thì phải tạo điều kiện cho họ phát triển” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói thêm.

Giải thích cho việc đề xuất quy định chín bậc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay cơ quan soạn thảo đã cân nhắc, tham khảo quy định của lực lượng vũ trang.

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Giải thích về quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ tại dự thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: “Tòa án là phải đứng thẳng”. Tòa thu thập chứng cứ có lợi cho nguyên đơn thì lệch về bên nguyên, chứng cứ có lợi cho bên bị thì lệch về bên bị. Không cho tòa thu thập chứng cứ để bảo đảm khách quan.

Mặt khác, theo ông thì nếu tòa thu thập chứng cứ sau đó xét xử trên cơ sở chính chứng cứ mình thu thập, bỏ quên các chứng cứ khác thì không được. “Chúng ta giúp dân, phục vụ nhân dân bằng cách thể hiện công lý, chân lý cao nhất chứ không phải bằng thu thập chứng cứ” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Về việc dự thảo không quy định tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, Chánh án TAND Tối cao giải thích tư pháp theo nguyên lý suy đoán vô tội. “Tòa trả hồ sơ để điều tra cho ra tội phạm và khởi tố tại tòa thì đó là nền tư pháp không phải theo nguyên lý suy đoán vô tội mà là tư pháp truy tố đến cùng, kết tội đến cùng” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-doi-ten-tand-tp-ha-noi-thanh-tand-phuc-tham-ha-noi-post750443.html