Đề xuất đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó đề xuất đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án bao gồm: 1- Bản án sơ thẩm; 2- Bản án phúc thẩm; 3- Quyết định giám đốc thẩm (trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao); 4- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; 5- Quyết định bắt buộc chữa bệnh; 6- Quyết định buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; 7- Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; 8- Quyết định miễn thi hành chấp hành án phạt tù; 9- Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; 10- Quyết định giảm thời gian thử thách của án treo, cải tạo không giam giữ; 11- Quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước hạn có điều kiện; 12- Quyết định miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án.
Bộ đề xuất phương án 1: Trường hợp quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đúng nhưng bản án, quyết định sơ thẩm cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì chỉ xem xét kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
Phương án 2: Trường hợp quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đúng nhưng bản án, quyết định sơ thẩm cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì xem xét kháng nghị đối với quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Tùy từng trường hợp, người có thẩm quyền kháng nghị đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Thời hạn kháng nghị
Theo dự thảo, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 2 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự được đề xuất như sau: Trường hợp hết thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng có đủ các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật Tố tụng dân sự:
1- Đương sự có đơn đề nghị trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2- Đơn đề nghị có đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự.
3- Sau khi hết thời hạn 3 năm và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.
4- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có một trong các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật Tố tụng dân sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.