Đề xuất đơn giản hóa quy trình, thủ tục hiệp thương để bầu cử Quốc hội sớm

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy, Mặt trận Tổ quốc chỉ nên tập trung vào lần hiệp thương thứ 3 để chốt danh sách chính thức. Theo cách đó, công việc cần triển khai sẽ đơn giản hóa, rút ngắn hơn rất nhiều, phù hợp với lần bầu cử sớm sắp tới và đặc biệt là việc đổi mới tư duy, đơn giản hóa thủ tục.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình chủ trì phiên họp

Ngày 18-4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đã họp phiên mở rộng, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Theo tờ trình về dự án luật, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương hai cấp, dự thảo luật đã được rà soát, điều chỉnh để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại 48/98 điều của luật hiện hành. Đáng lưu ý, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử dự kiến giảm 28 ngày (từ 70 ngày xuống 42 ngày) kể từ thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công

Về việc tổ chức hiệp thương bầu cử Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi giao cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức các hội nghị hiệp thương lần 1 (thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu của tổ chức, cơ quan) và lần 2 (lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội). Đến hội nghị hiệp thương lần thứ 3, chốt danh sách chính thức người ứng cử, mới giao Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam như luật hiện hành.

Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công cho biết, Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là yêu cầu cấp bách, khẩn trương về tiến độ nhằm bảo đảm phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, đồng thời kịp thời phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, song ông Hoàng Anh Công cho biết, đa số các ý kiến cho rằng chỉ nên giao cho Ban Thường trực MTTQ chủ trì hiệp thương lần 1. Còn các hội nghị hiệp thương lần 2 và lần 3 là các bước rất quan trọng để thông qua danh sách ứng cử chính thức thì nên giao cho Đoàn Chủ tịch.

“Hiện Ban Thường trực MTTQ chỉ gồm 5 người, Chủ tịch và các Phó chủ tịch chuyên trách của MTTQ. Trong khi Đoàn Chủ tịch bao gồm nhiều thành phần khác nhau sẽ đảm bảo tính dân chủ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Hoàng Anh Công nhận định.

Đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, Ban Thường trực MTTQ chỉ có 5 người, mà giao để quyết định danh sách sơ bộ thì "chưa đảm bảo tính dân chủ". “Việc triệu tập 67 vị của Đoàn Chủ tịch cũng không khó khăn gì”, ông Thắng nói và đề nghị giữ nguyên như phương án hiện hành, là giao cho Đoàn Chủ tịch chủ trì cả 3 hội nghị hiệp thương.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy

Ý kiến khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy đề nghị đơn giản hóa, rút ngắn quy trình hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc trong bầu cử Quốc hội. Bà Nguyễn Phương Thủy đề xuất không cần tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vì cơ cấu, số lượng, thành phần đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định. Lần hiệp thương thứ 2 để chốt danh sách sơ bộ, theo đại biểu, cũng chỉ đơn giản là chuyển hồ sơ để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, làm việc, nên Ban Thường trực MTTQ có thể làm được.

“MTTQ chỉ nên tập trung vào lần hiệp thương thứ 3 để chốt danh sách chính thức. Theo cách đó, công việc cần triển khai sẽ đơn giản hóa, rút ngắn hơn rất nhiều, phù hợp với lần bầu cử sớm sắp tới và đặc biệt là việc đổi mới tư duy, đơn giản hóa thủ tục”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Nguyễn Quỳnh Liên thì cho rằng, hiệp thương lần 1 có thể giao cho Ban Thường trực, các lần hiệp thương 2, 3 khi đã là "nhân sự cụ thể rồi", "chạm tới con người cụ thể rồi" thì nên để Đoàn Chủ tịch thực hiện. Nhấn mạnh “không thể phủ nhận vai trò hiệp thương của MTTQ”, bà Liên thông tin thêm, từ 1-7 tới đây, MTTQ sẽ có tổ chức mới. Theo đó, Ban Thường trực ngoài Chủ tịch, các Phó chủ tịch như hiện nay sẽ gồm các trưởng tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến sẽ có 11 người.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình ghi nhận các ý kiến phát biểu và khẳng định, sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, bảo đảm khi luật được ban hành sẽ có tính khả thi, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-don-gian-hoa-quy-trinh-thu-tuc-hiep-thuong-de-bau-cu-quoc-hoi-som-post791286.html