Đề xuất dòng vốn riêng để thực hiện

Thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đang là vấn đề gay gắt, bức xúc tại không ít địa phương. Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trình bày tại Phiên giải trình do Hội đồng Dân tộc Quốc hội (HĐDTQH) tổ chức.

Vốn thực tế quá thấp so với nhu cầu

Theo ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội, đến nay, cả nước vẫn còn hơn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; 58.123 hộ thiếu đất ở; 303.578 hộ thiếu đất sản xuất; 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đây là nguyên nhân chính làm cho công cuộc giảm nghèo chưa bền vững, vùng DTTS, miền núi vẫn là “rốn nghèo” của cả nước.

Thiếu đất sản xuất, nhiều khu tái định cư hoang vắng vì người dân bỏ đi xa xứ để làm ăn

Thông tin thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận) nêu thực trạng, một số địa phương, lãnh đạo mua hết đất của đồng bào, xây khách sạn, resort… Hay doanh nghiệp xin lập dự án, thu hồi đất của đồng bào để trồng cây công nghiệp, nhưng sau đó lại triển khai trồng khoai, trồng sắn và thuê đồng bào làm thuê trên đất của mình đã bị thu hồi. “Nếu chỉ để trồng khoai, trồng sắn thì việc gì phải lập dự án thu hồi đất, cứ để bà con có tư liệu sản xuất, bảo đảm vấn đề an sinh” - đại biểu Cương nói. “Những nguyên nhân như: thiếu vốn, quỹ đất thiếu, rà soát nông trường chậm… đã được xác định từ rất lâu mà vẫn chưa xử lý được, dẫn đến việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa đạt yêu cầu” - Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn ĐBQH Phú Thọ) bổ sung.

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn ĐBQH Gia Lai) thì cho rằng, nhiều chính sách được ban hành nhưng không bố trí vốn để thực hiện, tức là chính sách bị “treo”, không khả thi. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (tập trung tại Quyết định 2085/QĐ-TTg) đều không đạt mục tiêu.

“Thực trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt ở vùng DTTS và miền núi đang có chiều hướng gia tăng so với năm 2012. Phải làm rõ được trách nhiệm của cơ quan tham mưu, xây dựng cũng như các cơ quan kiểm tra, thẩm định các chính sách đã ban hành nhưng không bảo đảm được vốn để thực hiện” - Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn ĐBQH Lai Châu) nhấn mạnh.

Liên quan đến bố trí vốn cho chính sách tín dụng cho vay để mua đất ở, đất sản xuất… đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, vốn giải ngân thực tế quá thấp so với nhu cầu. Như Quyết định 755/QĐ-TTg, theo rà soát có 114.000 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu vay vốn; nhưng thực tế chỉ có 50 hộ được vay vốn, với số tiền cho vay là 1,2 tỷ đồng, dư nợ 0,8 tỷ đồng. Rồi Quyết định 29/QĐ-TTg, tổng nhu cầu vay vốn là 4.339 hộ nhưng chỉ giải ngân được cho 10 hộ vay, số tiền cho vay là 0,3 tỷ đồng…

Trông chờ vào Chương trình mục tiêu quốc gia

Trước vấn đề đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến thừa nhận: “Thực trạng này có trách nhiệm của UBDT trong việc khảo sát, thống kê, tổng hợp để xây dựng cũng như đánh giá, tổng kết thực hiện chính sách”.

Xác định những giải pháp để giải quyết tồn tại trong việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có vốn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, Chính phủ đã giao UBDT xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đề án có rất nhiều điểm mới, cụ thể sẽ đề xuất có dòng vốn riêng để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi, trong đó có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Làm rõ hơn về một số nội dung nêu ra tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2012 - 2018, chúng ta ban hành quá nhiều chính sách, quá nhiều chương trình nhưng không bám sát được khả năng cân đối nguồn lực. Bên cạnh đó, các chính sách được triển khai trên địa bàn rộng, đồng bào DTTS sống xa nhau, đối tượng hỗ trợ lớn, vì vậy các địa phương cũng cần nhiều thời gian để lập dự án, xác định đối tượng, trình các cấp để có cơ sở bố trí vốn… Đây là nguyên nhân khiến nguồn vốn bố trí đạt thấp, dẫn đến hiệu quả chưa như kỳ vọng.

“Thời gian tới, nếu Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết đồng hành cùng UBDT, các cấp, các ngành nghiên cứu tham mưu và tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện tốt chương trình này” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

T.H

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-dong-von-rieng-de-thuc-hien-125123.html