Đề xuất đưa bệnh thận mạn, Alzheimer, rối loạn tâm thần vào danh mục Chiến lược quốc gia bệnh không lây nhiễm

Tại Việt Nam, trước đây, các bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, đái tháo đường và suy thận thường xuất hiện chủ yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, những bệnh này ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chiều 13/11, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, xu hướng trẻ hóa của các bệnh mạn tính đang trở thành mối lo ngại lớn cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35. Tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi mắc cao huyết áp cũng đang gia tăng, chiếm khoảng 5% - 12%.

Trước đây, bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người từ 45-65 tuổi, nhưng hiện nay, nhiều trường hợp dưới 20 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh này.

Bên cạnh đó, bệnh suy thận mạn trẻ hóa cũng đang là mối lo ngại khi theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi.

Ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ về tình hình gánh nặng bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Tú chia sẻ về tình hình gánh nặng bệnh mạn tính và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh tại Việt Nam.

Đặc biệt, bệnh Alzheimer và rối loạn tâm thần cũng là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Theo thống kê, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến chiếm khoảng 14,9% dân số, tương đương gần 15 triệu người. Trong đó, trầm cảm và lo âu chiếm tỷ lệ cao, khoảng 5-6% dân số. Các rối loạn khác bao gồm tâm thần phân liệt (0,47%), động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%), rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu (5,3%) và ma túy (0,3%)

Đáng chú ý, ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ, chiếm 60-70% các trường hợp. Năm 2020, Việt Nam ước tính có khoảng 500.000 người mắc bệnh Alzheimer, nhưng chỉ khoảng 5.000 người (tương đương 1%) được chẩn đoán và điều trị. Sự thiếu hụt trong chẩn đoán và điều trị dẫn đến gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội, do bệnh nhân cần chăm sóc chuyên sâu.

Mặc dù, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần và bệnh Alzheimer cao, nhưng việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế. Nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ về các rối loạn này, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.

Ban tổ chức trao đổi với các đại biểu và phóng viên tại buổi Tọa đàm.

Ban tổ chức trao đổi với các đại biểu và phóng viên tại buổi Tọa đàm.

Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề xuất đưa bệnh thận mạn và bệnh Alzheimer, rối loạn tâm thần vào danh mục các bệnh trong Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giải đoạn 2026-2035 để tạo điều kiện cho việc xây dựng những chiến lược, kế hoạch tổng thể nhằm phòng, chống hiệu quả các bệnh mạn tính có tỉ lệ thương tật và tử vong cao.

Năm 2024, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình "Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi", đã tiến hành khám bệnh trực tiếp cho hơn 10 nghìn người dân; chương trình "Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn" đã khám, trao quà, hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hơn 15 nghìn người dân và 15 nghìn thiếu nhi; chương trình "Sống khỏe mỗi ngày" khám, sàng lọc bệnh không lây nhiễm và bệnh về đường tiêu hóa, sàng lọc vi khuẩn H.Pylori dạ dày cho hơn 2 nghìn người.

Theo ông Tú, công nghệ AI được áp dụng rộng rãi để phân tích hình ảnh y khoa (chụp CT, MRI, X-quang), giúp phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, bệnh tim mạch, và các vấn đề về phổi. Các hệ thống AI có thể phân tích hàng triệu hình ảnh với độ chính xác cao, giúp bác sĩ phát hiện tổn thương ở giai đoạn sớm và đưa ra phương án điều trị kịp thời.

Từ những kết quả quan trọng của Hành trình khám chữa bệnh tình nguyện trong việc phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, thông qua khám sàng lọc các đối tượng nguy cơ cao, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đề nghị Bộ Y tế và các địa phương quan tâm thúc đẩy việc triển khai các chương trình, hoạt động chủ động khám sàng lọc đối tượng nguy cơ cao; quy trình thanh toán bảo hiểm y tế cho các xét nghiệm và dịch vụ cần thiết để thực hiện khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/de-xuat-dua-benh-than-man-alzheimer-roi-loan-tam-than-vao-danh-muc-chien-luoc-quoc-gia-benh-khong-lay-nhiem-i750175/