Đề xuất đưa dự án Luật Khám bệnh chữa bệnh vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết tại Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa phối hợp với Chính phủ tổ chức.
Theo Cổng thông tin Quốc hội, báo cáo một số nội dung về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị lưu ý một số điểm mới liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, qua tình hình chuẩn bị các dự án Luật cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập Ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch. Có dự án luật mới được bổ sung vào Chương trình năm 2020, nhưng đã được các bộ tích cực phối hợp soạn thảo để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình.
Tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 cũng như năm 2021 là tương đối nặng với việc xây dựng 17 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Bên cạnh đó, các Bộ còn phải xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8 và 43 văn bản quy định chi tiết các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa dự án luật Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình điều chỉnh xây dựng luật năm 2020. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, hai dự án này luật này đã được Chính phủ cơ bản thông qua và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình của kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV tới đây. Hiện, Dự luật đang được tổ chức lấy kiến nhân dân trên Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ Công an.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, Bộ Quốc phòng đã tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và an ninh để tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời đối với các Luật thuộc trách nhiệm chủ trì soạn thảo, Bộ Quốc phòng đảm bảo đúng tiến độ theo quy định của pháp luật và tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với Dự án Luật Khám bệnh chữa bệnh, do thời gian qua nỗ lực phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời cần có sự nghiên cứu thêm một số nội dung cụ thể về các vấn đề mới của Luật, do đó cơ quan soạn thảo xin bổ sung Dự án Luật này vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện Dự luật đã được gửi xin ký kiến các Bộ, ngành, các hiệp hội có liên quan; đồng thời đăng tải để lấy ý kiến góp ý. Bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, thực hiện đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 tới đây.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng, khâu đột phá quyết định sự phát triển đất nước. Để bảo đảm khối lượng, chất lượng công việc, yêu cầu đặt ra, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra phải quyết liệt chỉ đạo, có kế hoạch chi tiết, giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành chương trình đề ra.