Đề xuất F0, F1 đi làm gây khó cho phụ huynh có con mắc Covid-19
Con dương tính với nCoV, phụ huynh có thể trở thành F0, F1. Trước đề xuất đối tượng này đi làm bình thường, nhiều người lo lắng khi cân đối giữa công việc và chăm sóc gia đình.
Bộ Y tế vừa đề xuất phương án đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly. Với F0 không có triệu chứng trong thời gian cách ly, Bộ Y tế kiến nghị các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
F1 chưa tiêm đủ liều vaccine được đề xuất cho phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trước thông tin này, chị Bùi Lan Phương (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) - từng có con nhỏ dương tính với nCoV bày tỏ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nữ phụ huynh nhấn mạnh khi trẻ là F0, cần bố mẹ khi đó đang là F0 hoặc F1 ở nhà chăm sóc. Phụ huynh đi làm cũng không thể có tâm trạng bình tĩnh để hoàn thành công việc.
"Thông thường khi trẻ nhiễm bệnh dễ trở thành nguồn lây cho cả gia đình, cả nhà mệt mỏi. Gia đình có người giúp việc hoặc có ông, bà trông được, phụ huynh F1 có thể đi làm. Nhưng khi con là F0, tâm lý cả nhà sẽ rất sốt ruột, làm việc khó đạt hiệu quả", chị Phương nói.
Không thể làm việc hiệu quả
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Phương lo lắng khi con nhiễm nCoV với các biểu hiện mệt mỏi, khó ngồi dậy, thường xuyên buồn nôn và không thể tự chăm sóc bản thân.
Là người thường xuyên đọc các thông tin về dịch bệnh, chị Phương nghĩ bản thân sẽ "ứng phó" được khi gia đình có người trở thành F0. Tuy nhiên, trước kết quả dương tính với nCoV của con, nữ phụ huynh không khỏi lo lắng.
Trạng thái tâm lý này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình vừa chăm con, vừa làm việc của chị Phương. Nữ phụ huynh cho biết bản thân khó có thể làm việc hiệu quả khi con là F0.
Không thể một mình chăm sóc con nhỏ dương tính với nCoV, chị Phương và chồng đã quyết định "giãn" công việc để cùng con vượt qua thời gian nhiễm SARS-CoV-2.
Chị Phương nhận định bố, mẹ là người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nên nếu con bị F0 thì khả năng bố, mẹ dương tính rất cao. Trở thành F1, phụ huynh đi làm có thể lây nhiễm cho đồng nghiệp. Việc tìm người chăm sóc trẻ khi phụ huynh đi làm cũng là một vấn đề "nan giải".
"Những phụ huynh không thuê giúp việc hoặc không có ông, bà hỗ trợ chăm sóc con thì không thể đi làm được. Chắc chắn chúng ta không thể để trẻ đang là F0 ở nhà mà không có người lớn bên cạnh", chị Phương nói.
Con không dương tính với nCoV nhưng có biểu hiện chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho có đờm, chị Long (sinh năm 1988, Bình Phước) đã không thể tập trung khi làm việc. Là công nhân, vì lo "cơm, áo, gạo tiền", chị Long đã phải giao con cho ông, bà chăm sóc.
"Ông, bà đã lớn tuổi rồi, con bệnh, có mẹ chăm sóc vẫn tốt hơn. Nhưng vì công việc nên tôi phải đi làm, ở nhà không được. Mỗi lúc làm việc, nghĩ đến con đang bệnh ở nhà, tôi xót ruột lắm. Lúc đó chẳng có tâm lý nào làm việc, tôi cảm thấy cuộc sống rất hỗn độn, mệt mỏi và áp lực", chị Long nói.
Nữ phụ huynh nhấn mạnh nếu con dương tính với nCoV, dù có ông, bà trông thì tâm lý của phụ huynh cũng bất ổn, không thể làm việc.
Trẻ dương tính cần bố, mẹ chăm sóc
Phát hiện con nhỏ trong nhà có biểu hiệu sốt, chị Thúy Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) đã liên tục túc trực để theo dõi các triệu chứng của con. Nữ phụ huynh khẳng định nếu con dương tính với nCoV sẽ ở nhà chăm sóc thay vì thuê bảo mẫu hoặc giao cho ông, bà trông.
"Bố, mẹ có con là F0 thì không nên đi làm. Trẻ con bệnh, bố, mẹ là người lo lắng nhất, cũng là người gần gũi với con và có cách chăm sóc con tốt nhất. Con bị F0 tôi sẽ xin nghỉ ở nhà, không đi làm nổi đâu", chị Nga nhấn mạnh.
Theo chị Nga, thời điểm con nhiễm bệnh, dù có thể nhanh khỏi nhưng vẫn cần có bố, mẹ bên cạnh. Ông, bà lớn tuổi sẽ khó chăm sóc trẻ. Con cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm bệnh cho ông, bà. Nữ phụ huynh chia sẻ Covid-19 không giống những căn bệnh thông thường, phụ huynh nên ở nhà chăm sóc con đến khi hết các triệu chứng nguy hiểm.
Trải qua thời gian đồng hành cùng con vượt qua Covid-19, chị Phương nhận định khi con là F0 phụ huynh cần phải theo sát liên tục để có biện pháp kịp thời.
Nữ phụ huynh cho biết khó khăn lớn nhất khi gia đình có con dương tính với nCoV là tìm phác đồ điều trị phụ hợp và giữ tâm lý bình tĩnh.
"Thời điểm con nhiễm bệnh, tôi đã hỏi nhiều thông tin về thuốc điều trị. Người thì bảo dùng thuốc kháng sinh. Người thì dặn khi con không có triệu chứng, chỉ sốt thì uống vitamin và thuốc hạ sốt là đủ. Lúc đó, giữa 2 luồng thông tin, tôi đã rất phân vân và không biết phải tin ai", chị Phương nói.
Chị Phương khuyên phụ huynh nên sắp xếp thời gian hiệu quả để làm việc và chăm sóc con cái, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 do trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương. Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn một số thuốc dự phòng, nước muối sinh lý, xịt khuẩn tay và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 với số lượng lớn để sử dụng khi cần thiết.