Đề xuất giải pháp hữu hiệu ngăn chặn những vụ án nghiêm trọng
Ngày 15/9, tại Phiên họp thứ 15, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến bày tỏ tán thành với các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung được nêu trong các báo cáo, nhiều đại biểu đã tập trung cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm vừa qua của các cơ quan chức năng, với việc điều tra, khám phá rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến trật tự an toàn xã hội, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, các đại biểu cũng đề nghị Báo cáo phân tích cụ thể, sâu sắc hơn về tính chất, mức độ tội phạm để tìm ra nguyên nhân chủ yếu, qua đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những vụ án có tính chất nghiêm trọng, trong đó đáng chú ý là sự gia tăng các hành vi bạo lực, bạo hành, các hành vi phạm tội với những hình thức tàn ác mà dư luận xã hội đã phản ánh và hết sức lên án, đặc biệt là hành vi phạm tội đối với trẻ em.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong năm qua, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đấu thầu, đấu giá tài sản..., với hành vi tập trung vào những khâu như thẩm định giá, thẩm định thầu, thao túng giá trúng thầu, nâng giá nhiều lần... Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn, nguy hiểm đã được xử lý quyết liệt, nghiêm khắc, có tính răn đe cao, nhưng hoạt động tội phạm này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.
Nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của các ngành, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp một số ý kiến liên quan đến nhóm báo cáo của các cơ quan tư pháp. Qua nghiên cứu thực tiễn và công tác giám sát ở các địa phương cho thấy, chất lượng một số bản án ban đầu, nhất là án sơ thẩm, là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, trong đó đáng lưu ý là án hành chính và án dân sự. "Có nhiều bản án sau khi đã tuyên khó thi hành, dẫn đến tình trạng kiến nghị, đề nghị và kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều là do án sơ thẩm", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, để bảo đảm sự toàn diện, sâu sắc, bao quát và phù hợp hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến phát biểu tại phiên họp để tiếp tục hoàn chỉnh 5 báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ và hai báo cáo thẩm tra. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật thêm tình hình, số liệu để bảo đảm tính đủ 12 tháng theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 96/2019/QH14 của Quốc hội, gắn với bối cảnh, đặc điểm, tình hình của năm 2022; làm rõ những điểm mới so với năm 2021 và các năm trước để thấy được sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan và xu hướng phát triển để đề xuất những giải pháp xử lý trong thời gian tới; đồng thời nêu đầy đủ những vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.