Đề xuất giải pháp quản lý đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đề xuất giải pháp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng trước tin có sự thâu tóm các dự án điện mặt trời ở Bình Phước.
Văn phòng chính phủ vừa có văn bản số 4564/VPCP-CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thông tin Báo Diễn đàn doanh nghiệp phản ánh về Tập đoàn Super Energy thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước.
Văn bản số 4564/VPCP-CN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
Trước đó, Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 3/6/2020 có phản ánh nội dung: Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thông qua mua cổ phần của các công ty trung gian thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước (Lộc Ninh 1, 2, 3, 4) tại khu vực biên giới với Campuchia.
Cụ thể, Super Energy tham gia góp vốn với tỷ lệ 49% tại doanh nghiệp trung gian là Công ty cổ phần SSE Việt Nam 1 (SSEVN1). Tiếp đó, công ty mua lại 51% cổ phần còn lại từ 2 cá nhân là ông Tạ Xuân Thắng và bà Châu Mộng Như với số tiền tối đa 17,8 triệu USD để nắm giữ 100% vốn tại SSEVN1.
Cách thức thâu tóm các dự án còn lại cũng được Super tiến hành tương tự. Cụ thể, công ty mua 100% cổ phần tại Công ty cổ phần SSELN2 và Công ty cổ phần SSEBP3 để sở hữu 100% vốn tại dự án Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3; mua 100% cổ phần trong pháp nhân New Hold Co 4 (vốn 50 tỷ đồng), qua đó sở hữu 80% dự án Lộc Ninh 4.
Thương vụ "khủng" của Tập đoàn Super Energy Thái Lan này có tổng giá trị tới 456,7 triệu USD, trong đó, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD.
Hiện quá trình Super Energy “thâu tóm” các dự án Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2 và Lộc Ninh 3 đã hoàn tất và công ty này đang triển khai các bước cần thiết để hoàn thành các dự án trên vào cuối năm 2020.
Các dự án này có công suất khoảng 550 MW - đúng bằng tổng công suất của cụm dự án quang điện Lộc Ninh 1 - 3 mà các pháp nhân SSE Vietnam 1, SSE LN2 và SSE BP3 được thành lập từ tháng 1/2020 để rót vốn đầu tư theo kế hoạch.
Thông tin ký kết hợp đồng EPC Lộc Ninh 1,2 và 3 khi lan truyền cũng đã khiến giới đầu tư điện mặt trời trong nước xôn xao. Nếu không đủ năng lực để triển khai dự án thì vì sao chủ đầu tư Lộc Ninh không sang nhượng, bán các dự án nói trên cho các nhà đầu tư trong nước mà bán cho nước ngoài.