Đề xuất giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch hồ Tây

Ngày 7-8, UBND quận Tây Hồ tổ chức Hội thảo 'Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch Hồ Tây'. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan tại Trung ương và TP. Hà Nội.

Ý tưởng về Lễ hội hồ Tây hằng năm

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận Tây Hồ luôn nhận thức về giá trị và vai trò của Hồ Tây đối với phát triển du lịch Thủ đô nói chung và quận Tây Hồ nói riêng. Năm 2024, UBND thành phố đã ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, giao UBND Hồ Tây là đầu mối quản lý toàn diện, phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện. Hiện nay, khu vực Hồ Tây có 10 loại hình dịch vụ được phép hoạt động. Đây là cơ hội thuận lợi để quận Tây Hồ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, tuy nhiên cũng là thách thức đối với quận trong công tác quản lý, khai thác. Do đó, quận Tây Hồ cần có những định hướng, giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch Hồ Tây trong thời gian tới.

 Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề xuất ý tưởng về việc tổ chức Lễ hội hồ Tây hằng năm

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề xuất ý tưởng về việc tổ chức Lễ hội hồ Tây hằng năm

Chia sẻ ý kiến tại buổi Hội thảo, đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ đã nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển du lịch của hồ Tây một cách lâu dài và bền vững chính là việc làm sao để du khách đến và cảm nhận được không gian sống đặc sắc, đẳng cấp của người Tây Hồ. Với những giá trị ngàn năm văn hiến của lịch sử Thăng Long – Hà Nội, hồ Tây có thể coi là một trong những cội nguồn văn hóa. Do đó, đồng chí Bí thư Quận ủy Tây Hồ đề xuất ý tưởng về việc tổ chức Lễ hội hồ Tây, một sản phẩm văn hóa đặc trưng hằng năm để kể và quảng bá Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.

ến Hà Nội thì không thể không đến hồ Tây"

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cho biết, hầu hết các ý kiến phát biểu đều khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử và tiềm năng, lợi thế to lớn của hồ Tây trong việc phát triển du lịch. Trong đó, hồ Tây có vị trí đặc biệt quan trọng trong quy hoạch kiến trúc chung của Thủ đô cũng như sự phát triển của hồ Tây theo hướng bền vững là xu thế tất yếu.

 Đồng chí Lê Văn Hoạt cho rằng, phải phát triển du lịch để du khách "đến Hà Nội, không thể không đến hồ Tây".

Đồng chí Lê Văn Hoạt cho rằng, phải phát triển du lịch để du khách "đến Hà Nội, không thể không đến hồ Tây".

Tuy nhiên, đồng chí Lê Văn Hoạt cũng nhận định, để hồ Tây phát triển bền vững phải có tư duy mới, cách nhìn mới theo hướng: phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái; có bản sắc, có tính độc lạ, phát triển nhiều loại hình trong đó có kinh tế đêm...

Đồng chí Lê Văn Hoạt cũng nhấn mạnh, phải phát triển hồ Tây thành điểm đến xứng tầm quốc tế, để mỗi du khách "khi đến Hà Nội thì không thể không đến hồ Tây". Theo đó, cần mở rộng không gian phát triển hồ Tây với các chuỗi liên kết, trục liên kết, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi Hà Nội mà phải phát triển các liên kết vùng; vấn đề văn hóa như lễ hội, làng nghề... phải trở thành trọng tâm của hồ Tây trong quá trình phát triển.

Đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch

Đồng chí Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất hệ thống các nhóm giải pháp để phát triển bền vững du lịch hồ Tây. Trong đó, tăng cường đầu tư, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị, hệ thống bãi đỗ xe, hỗ trợ hoạt động du lịch, đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho chương trình đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và chương trình tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các di sản, di tích lịch sử văn hóa. Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch.

Triển khai lập hồ sơ đề nghị ghi danh các làng nghề truyền thống; đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch tham quan các khu tâm linh quanh hồ Tây kết nối với các danh thắng của Thủ đô. Rà soát bổ sung đầu tư các trung tâm thương mại, mua sắm cấp vùng. Phát triển mạng lưới siu thị với sự đa dạng về quy mô, loại hình. Rà soát hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế ban đêm tại khu vực hồ Tây.

Nâng tầm và đa dạng hóa sản phẩm

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá, Tây Hồ hoàn toàn có thể trở thành quận hàng đầu của Thủ đô về phát triển du lịch.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn nhận định, Tây Hồ hiện có vị trí đắc địa, tài nguyên dày đặc, tuy nhiên sản phẩm du lịch còn rời rạc, kết nối còn hạn chế, giá trị điểm đến còn ở mức trung bình.

 Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhấn mạnh đến việc phát triển hồ Tây thành điểm đến với nhiều giá trị trải nghiệm cho khách du lịch

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhấn mạnh đến việc phát triển hồ Tây thành điểm đến với nhiều giá trị trải nghiệm cho khách du lịch

Theo đó, quận cần tập trung giải quyết xử lý 5 yếu tố: Định hướng tổng thể; nắm bắt xu thế thị trường; yếu tố nhân lực; vấn đề phát triển sản phẩm; công tác quảng bá, vấn đề môi trường.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị với Đề án tổng thể về phát triển và quy hoạch hồ Tây phải đi theo xu thế thị trường, thể hiện rõ khát vọng, vị thế, tiềm năng, tài nguyên của quận. Phát triển đa dạng và nâng tầm chất lượng các sản phẩm du lịch. Chú trọng kết nối, thúc đẩy đầu tư, cung ứng sản phẩm “đẳng cấp” của quận. Có giải pháp để khai thác tối ưu mặt nước hồ Tây, làm sao để “Lung linh hồ Tây” một cách hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm yếu tố môi trường bền vững. Tận dụng thành tựu công nghệ để đi tắt đón đầu nhằm biến hồ Tây thành điểm đến với nhiều giá trị trải nghiệm cho khách du lịch.

Hồ Tây là viên kim cương của Thủ đô Hà Nội

TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam ví hồ Tây như viên kim cương của Thủ đô Hà Nội, với vị trí rất đắc địa với bề dày lịch sử văn hóa truyền thống trong quá trình hình thành phát triển của vùng đất Thăng Long – Hà Nội.

Trong cấu trúc tổng thể của Thủ đô, hồ Tây là giá trị không thể tắt rời. Tây Hồ sẽ trở thành biểu tượng mới, trung tâm mới của Thủ đô. Nhưng muốn làm được vậy, xung quanh hồ Tây phải có không gian để xây dựng được các công trình văn hóa xứng tầm, mang tính biểu tượng của Thủ đô và quốc gia. Phải có quy hoạch để có không gian bảo tồn và phát huy các giá trị của hồ Tây và các vùng phụ cận, nhưng đồng thời cũng phải bồi đắp thêm những hệ giá trị mới, những sản phẩm mới nhằm tăng thêm tính thời đại, đan xen với những giá trị lịch sử của hồ Tây.

Phát triển mô hình kinh tế ban đêm

Theo PGS, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quận Tây Hồ nên mạnh dạn thực hiện phát triển mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn, trong đó tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng; phát triển mô hình không gian đi bộ, không gian ẩm thực đêm, mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Tây Hồ đã có những sự thay đổi để khai thác tiềm năng kinh tế đêm nhưng vẫn còn một số hạn chế như việc chưa khai thác hiệu quả không gian hồ Tây, phố Trịnh Công Sơn; chưa hình thành được tổ hợp vui chơi giải trí; hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu...

Do đó, với những bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đêm, cũng như thu hút được nhiều đối tượng tham gia, quận cần tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế ban đêm; phối hợp cùng các cơ quan trung ương, thành phố để xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm...

Ngọc Anh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/van-hoa-xa-hoi/de-xuat-giai-phap-tong-the-phat-trien-ben-vung-du-lich-ho-tay-21374