Đề xuất giảm lãi vay cho hộ nghèo, cận nghèo

Bên cạnh việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đề xuất giảm lãi vay từ 10 – 15% cho hộ nghèo và các đối tượng khác.

Hộ nghèo được vay vốn từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi

Hộ nghèo được vay vốn từ NHCSXH để phát triển chăn nuôi

3 triệu lao động được hỗ trợ

Thực hiện công tác chống dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã kịp thời thành lập Ban chỉ đạo giám sát, tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo các đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, NHCSXH nhận vốn ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương đạt 19.500 tỷ đồng tỷ đồng, tăng gần 15.700 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị. Tính đến ngày 30/6/2020, các chi nhánh đã tập trung giải ngân vốn tín dụng kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, nâng tổng nguồn vốn đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.667 tỷ đồng so với 31/12/2019, tổng dư nợ đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng so với 31/12/2019 (6,1%), với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp 0,7%/tổng dư nợ.

Vốn tín dụng đã giúp cho trên 1.050.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm cho trên 180 nghìn lao động, xây dựng trên 620 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giúp gần 8.500 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập,…

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, các bộ ngành và NHCSXH đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động được vay NHCSXH với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.

Số tiền này được giải ngân trực tiếp vào tài khoản của người lao động, không giải ngân qua doanh nghiệp để tránh việc sử dụng sai mục đích. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 3 triệu lao động.

Bên cạnh việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, đầu tháng 5 vừa qua, NHCSXH đã báo cáo Hội đồng quản trị để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 1/4 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay, hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Vai trò “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc NH CSXH, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, toàn diện tới một số bộ phận lớn khách hàng vay vốn NH CSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân hàng đã rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/6/2020 NHCSXH đã thực hiện cho vay đối với 422.534 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ 18.645 tỷ đồng.

Dự kiến, đến hết năm 2020, tỷ lệ nghèo sẽ giảm từ 3,75% năm 2019 xuống dưới 3%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ nghèo tại huyện nghèo giảm trên 4% so với năm 2019, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao. Hiện cả nước còn 8.464 hộ nghèo có thành viên là người có công, các địa phương phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc diện này.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm, từ 1993 đến 2017, Việt Nam đã đưa hơn 50% dân số thoát khỏi nghèo đói, tỷ lệ hộ nghèo ở mức rất cao trên 58% vào năm 1993 đã giảm xuống còn 6,7% năm 2017. Để có được thành quả này, hệ thống chính sách giảm nghèo đã được thực hiện hiệu quả. Trong đó, chính sách tín dụng là một trong những “trụ cột”, cùng các dòng vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp và người dân, giúp Việt Nam sớm hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010, với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/de-xuat-giam-lai-vay-cho-ho-ngheo-can-ngheo-rTcKZYNMg.html