Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Đây là nội dung trong dự thảo tờ trình Bộ LĐ-TB&XH đang gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định này quá chặt chẽ và 20 năm quá dài khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Cùng với tác động kinh tế, nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH.
Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế. Nếu vẫn giữ quy định trên, diện bao phủ bảo hiểm xã hội sẽ không được thay đổi đáng kể.
Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định công thức tính lương hưu phù hợp hơn với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 10 năm đóng bảo hiểm xã hội là khoảng thời gian rất cần được quan tâm ở Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 60% người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH.
Theo tính toán của Bộ LĐ-TB&XH, nếu thay đổi theo phương án này sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. Người lao động sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, hướng tới tuổi già có lương hưu.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia bảo hiểm xã hội.
Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người), tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.
Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28 đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.
Theo tờ trình, dự thảo sửa đổi Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024.