Đề xuất giãn cách xã hội gắn với 'Thẻ xanh COVID' sau 15-9

Ngành y tế TP.HCM đề xuất 7 chiến lược trọng tâm thực hiện sau ngày 15-9, trong đó có 'thẻ xanh y tế'.

Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 giai đoạn sau ngày 15-9 với 7 chiến lược cụ thể:

1. Bao phủ vaccine cho người dân sinh sống trên địa bàn

Sở Y tế dự báo, căn cứ vào tình hình số mắc, số nhập viện và số tử vong và các giải pháp can thiệp, dự đoán sau ngày 15-9, khả năng cao tình hình dịch bệnh của TP sẽ chuyển từ mức cao sang mức trung bình và sẽ kiểm soát được dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Do đó, theo đề xuất của Sở Y tế, chiến lược trọng tâm trong giai đoạn này là phải bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn TP, tiến tới phủ 100% mũi 2 cho người trên 18 tuổi, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đấu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai).

Tiếp theo là tiến tới triển khai tiêm vaccine cho trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì) khi có nguồn cung.

Hiện TP đã phủ 86% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố được tiêm phòng vaccine mũi 1 (tỉ lệ mũi 2 đến ngày 3-9 là 6%). Do không chủ động được nguồn cung và công tác truyền thông về tiêm chủng chưa thật sự hiệu quả, xuất hiện xu hướng lựa chọn vacicne nên ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng ở một số quận, huyện.

2. Giãn cách xã hội gắn liền với 'thẻ xanh COVID'

Sở Y tế đề xuất sau ngày 15-9 giãn cách xã hội gắn liền với “thẻ xanh COVID”. Theo đó, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội dựa trên đánh giá mức độ nguy cơ, số liệu giám sát dịch tễ và khả năng đáp ứng của ngành y tế để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa.

Cùng với đó là phân loại các ngành nghề, đơn vị theo khả năng xuất hiện và bùng phát dịch, theo các tiêu chí an toàn để từng bước khôi phục lại hoạt động. “Thẻ xanh COVID” cho phép người dân tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội tùy theo mức độ kiểm soát dịch.

3. Hiện thực hóa thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch”

Để thực hiện mục tiêu này, Sở Y tế cho biết sẽ cung cấp kiến thức cho người dân về phòng bệnh, tự xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ, tự chăm sóc khi mắc bệnh và cách liên hệ với nhân viên y tế khi cần trợ giúp, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, các biện pháp không dùng thuốc kết hợp với y học cổ truyền.

4. Chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng

Về chăm sóc, quản lý F0 dựa vào cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn phải quản lý được danh sách F0 trên địa bàn, sàng lọc đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Đảm bảo 100% F0 tại nhà được chăm sóc và quản lý tại các tuyến y tế cơ sở và được cấp phát đầy đủ túi thuốc (gói A-B và C).

Các F0 có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng được khám bệnh từ xa, theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh tại nhà. Kịp thời phát hiện và sơ cấp cứu các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, chuyển viện kịp thời, không để xảy ra trường hợp F0 tử vong tại nhà.

Bên cạnh đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng như có bộ phận sàng lọc, tiếp nhận thông tin từ xa,bệnh viện quận, huyện là nơi tiếp nhận các trường hợp F0 cần nhập viện sau khi đã được sơ cấp cứu tại nhà.

Có cơ chế và giải pháp để huy động tối đa mọi nguồn lực trong cộng đồng, bao gồm hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà. Cụ thể, có cơ chế để hệ thống y tế tư nhân có thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch, triển khai thí điểm mô hình Y tế tư nhân tham gia chăm sóc F0 tại nhà, tham gia vận hành khu cách ly tập trung, điều trị F0 tại các bệnh viện.

TP.HCM dự kiến sẽ có nhiều giải pháp mới phòng chống dịch COVID-19 sau ngày 15-9. Ảnh lực lượng Quân đội nhân dân đi chợ hộ giúp người dân ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM dự kiến sẽ có nhiều giải pháp mới phòng chống dịch COVID-19 sau ngày 15-9. Ảnh lực lượng Quân đội nhân dân đi chợ hộ giúp người dân ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

5. Nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong

Để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do COVID-19, tiếp tục duy trì và nâng cao năng suất hoạt động, củng cố chất lượng điều trị của các cơ sở y tế trong hệ thống 3 tầng điều trị COVID-19 của TP, bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ về số lượng và có kiến thức chuyên môn cần thiết, cung cấp đầy đủ thiết bị hồi sức tối thiểu theo phân tầng điều trị; tăng cường tập huấn, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, bảo đảm chuyển tuyến 2 chiều thông suốt kịp thời.

Tùy theo tình hình dịch bệnh, từng bước chuyển đổi dần các bệnh viện thành phố, quận, huyện trở về chức năng ban đầu để tiếp nhận và điều trị các bệnh lý không phải COVID-19. Đồng thời duy trì một số bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung điều trị khi dịch tái phát.

Đảm bảo duy trì khu cách ly điều trị dành cho người bệnh COVID-19 với quy mô số giường tối thiểu là 20 - 40 giường có oxy tại tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

6. Giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát

Liên quan giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát, Sở Y tế đề nghị tổ chức xét nghiệm cho tất cả những trường hợp nghi ngờ COVID-19, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện kịp thời các chùm ca bệnh mới trong cộng đồng. Điều tra, truy vết khi phát hiện ca F0 không rõ nguồn gốc, kiểm soát và ngăn chặn chuỗi lây nhiễm mới.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên giao hàng, tài xế, công an,... được giám sát định kỳ và vùng nguy cơ cao ít nhất mỗi 7 ngày.

7. Phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân

Ngành y tế cũng đặt ra mục tiêu phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, củng cố nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở, nhất là trạm y tế, tiếp tục duy trì mô hình trạm y tế lưu động gắn liền với tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phố. Tái cấu trúc lại bộ máy, cơ sở vật chất để có thể sẵn sàng đảm bảo 2 chức năng: điều trị các bệnh lý không COVID-19 và bệnh lý COVID-19.

33,3% người bệnh COVID-19 tử vong ở tầng 3

Sở Y tế cho biết từ ngày 16-8 đến 4-9, toàn TP có 95.966 ca bệnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.667 ca. Tuy nhiên, từ ngày 23-8 đến 2-9, số ca bệnh có chiều hướng tăng mạnh do ảnh hưởng của việc tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tổng số trường hợp được phát hiện trong thời gian này là 56.005 ca bệnh. Cũng trong thời gian trên, TP triển khai xét nghiệm nhanh cho vùng nguy cơ cao và rất cao, qua đó phát hiện 98.986 trường hợp test nhanh dương tính, tỉ lệ dương tính vòng 1 là 3,7% và vòng 2 (sau 02 ngày) là 2,7%.

Phân tích số ca nhập viện điều trị cho thấy số ca mắc mới, số ca nhập viện và xuất viện đều có xu hướng tăng. Mặc dù số ca F0 cần nhập viện vẫn còn cao hơn số ca xuất viện, tuy nhiên khoảng cách này đang được thu hẹp dần.

Số nhập viện với tình trạng nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn cao, tương ứng số tử vong vẫn đang ở mức cao.

Tử vong chủ yếu tập trung ở độ tuổi trên 50, đa số là có bệnh lý nền kèm theo (87%), trong khi số ca mắc trên 50 tuổi chỉ chiếm 1/3 tổng số người bệnh COVID-19.

Tỷ lệ tử vong cộng dồn tính đến thời điểm hiện nay là 4.16% (tỉ lệ tử vong tính trên tổng số trường hợp F0 được xác định bằng kết quả PCR, chưa tính các trường hợp F0 có kết quả test nhanh dương tính đang cách ly tại nhà).

Trong số các ca tử vong tại bệnh viện thì tổng số ca tử vong tại các bệnh viện thuộc tầng 2 nhiều hơn các bệnh viện tầng 3, tuy nhiên tỉ lệ tử vong trong các bệnh viện tầng 3 cao hơn tầng 2 (chiếm 33,3% so với 4,5%).

Cũng trong thời gian này, TP được triển khai thí điểm chăm sóc F0 tại nhà (từ ngày 16-8). Số F0 đang cách ly tại nhà tăng dần, đặc biệt tăng cao từ ngày 26-8 (từ 27.649 trường hợp trong ngày 26-8 chiếm 34% tăng lên 84.138 trường hợp trong ngày 5-9 chiếm 56% tổng số F0 phát hiện) và đã có nhiều trường hợp hồi phục và hoàn thành cách ly tại nhà.

Nhờ hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà và xây dựng các gói thuốc mẫu A, B, C đã giúp giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến. Đồng thời, giúp giảm sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục.

Bên cạnh đó 428 trạm y tế lưu động do Bộ Quốc phòng hỗ trợ nguồn nhân lực đã đi vào hoạt động, giúp công tác chăm sóc và quản lý người F0 tại nhà tốt hơn, nhất là hoạt động thăm khám và cấp cứu F0 tại nhà. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh F0 chưa tiếp cận được thuốc kịp thời và khó liên hệ nhân viên y tế khi cần trợ giúp, làm tăng nguy cơ nhập viện trong bệnh cảnh rất nặng hoặc tử vong sớm ngay sau nhập viện,

Về điều trị, TP đã hoàn thiện mô hình tháp 3 tầng hiện nay đã có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô gần 5.000 giường hồi sức và 82 bệnh viện tầng 2 với 60.670 giường bệnh. Đồng thời cập nhật nhiều thuốc điều trị mới vào phác đồ điều trị cho người F0 như thuốc kháng virus (Molnupiravir, Remdesivir), thuốc kháng viêm, kháng đông.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/de-xuat-gian-cach-xa-hoi-gan-voi-the-xanh-covid-sau-159-1014347.html