Đề xuất giáo viên mầm non, thể dục vào nhóm nghề nặng nhọc là hợp lý?

Nếu được bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, giáo viên mầm non và giáo viên giáo dục thể chất có thể sẽ được nghỉ hưu ở độ tuổi 55 (nữ) và 57 (nam), ít hơn so với ngành nghề thông thường 5 tuổi.

Nhiều giáo viên mầm non cho rằng công việc khá vất vả, nếu về hưu muộn khó có thể đáp ứng được chất lượng giảng dạy. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều giáo viên mầm non cho rằng công việc khá vất vả, nếu về hưu muộn khó có thể đáp ứng được chất lượng giảng dạy. Ảnh minh họa: Q.Anh

Giáo viên mầm non, thể dục có thể được giảm tuổi về hưu

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất bổ sung nghề nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non và giáo viên giáo dục thể chất. Trên cơ sở kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ LĐ,TB&XH nghiên cứu, rà soát, xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế Công văn 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 1/8/ 1995. Hướng dẫn cụ thể hai trường hợp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Theo quy định chung, độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên cũng như người công tác trong ngành Giáo dục tăng so với trước. Cụ thể, Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Theo khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, lao động nam và lao động nữ có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với người lao động làm việc ở điều kiện bình thường theo Bộ luật Lao động 2019 và Luật BHXH 2014.

Nếu được bổ sung vào danh mục nói trên, hai nhóm lao động này có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ. Đây là mong muốn từ lâu của đội ngũ giáo viên mầm non và giáo viên thể chất do đặc thù nghề nghiệp nếu kéo dài thời gian làm việc sẽ không phù hợp do điều kiện sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Trước đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Chính phủ đưa đối tượng giáo viên mầm non, giáo viên giáo dục thể chất vào diện lao động nặng nhọc. Đề xuất này được nhiều giáo viên đồng tình bởi thực tiễn công việc cho thấy những giáo viên ở độ tuổi về hưu như hiện hành dạy mầm non, giáo dục thể chất cũng sẽ khó đảm bảo sức khỏe, chất lượng dạy học.

Tuổi cao khó đảm bảo chất lượng dạy học

Trên thực tế, trong thời gian qua cũng đã có nhiều tranh luận về công việc đặc thù của giáo viên mầm non làm việc trong môi trường tương đối khắc nghiệt, đó là liên tục dạy, chăm sóc cho trẻ em dưới 5 tuổi chưa ý thức và làm được vệ sinh cá nhân… Thậm chí, câu chuyện giáo viên mầm non bỏ nghề để theo đuổi nghề khác bớt áp lực và thu nhập tốt hơn là câu chuyện có thật, bởi nhiều nơi cũng rất đang "khát" giáo viên mầm non và cũng đang rất thiếu giáo viên mầm non. Nhiều giáo viên mầm non chỉ mong được về hưu sớm, trong khi sắp tới tăng tuổi nghỉ hưu cũng khiến nhiều giáo viên ở lứa tuổi trên 40 cũng cảm thấy "oải".

Với kinh nghiệm 17 năm dạy học, cô Nguyễn Thị Dung (40 tuổi) giáo viên mầm non tại Hà Nội chia sẻ, nhiều giáo viên chọn nghề này vì yêu mến trẻ, giai đoạn ra trường đi dạy học dù vất vả nhưng hầu hết các cô đều trải qua được vì lúc đó chưa lập gia đình. Sang giai đoạn lập gia đình, công việc bận bịu đi sớm về muộn trong khi lương, thu nhập cũng khá thấp so với các giáo viên phổ thông. Bây giờ, nghề giáo viên cũng rất áp lực, ngoài công việc tăng thêm do trường lớp quá tải ở các trường công lập, còn các trường dân lập thì yêu cầu phục vụ của phụ huynh ngày càng khắt khe hơn.

"Ngày đi làm từ sáng sớm đến gần tối mới về, trong khi dạy học ngoài vất vả trong chăm sóc học sinh ra còn vô số áp lực khác nữa như dạy học trong điều kiện giám sát nghiêm ngặt từ lãnh đạo trường cho đến phụ huynh thông qua camera. Hàng ngày về nhà vẫn nhận được vô số những cuộc gọi từ phụ huynh than trách vì sao con bị xây xát, bạn cắn, nhầm lẫn quần áo… Nếu như 60 tuổi mới được về hưu thì e rằng khó có thể đảm bảo được công việc như vừa phục vụ trẻ, vừa dạy múa hát, chơi các trò chơi vận động. Nên tôi nghĩ rằng được về hưu giảm đi so với các ngành nghề thông thường khác cũng là mong muốn không chỉ riêng rôi mà còn nhiều đồng nghiệp khác", cô Dung chia sẻ.

Theo ghi nhận, nhiều giáo viên thể dục cũng mong rằng được xếp danh mục tuổi nghỉ hưu sớm hơn các ngành nghề thông thường. Nhiều năm dạy môn Thể dục, thầy Nguyễn Danh Ngọc (Trường THPT Cẩm Lý, Bắc Giang) cho biết: "Với giáo viên thể dục giảng dạy ngoài trời được hưởng thêm 1% tiền lương cơ bản, đây là nguồn động viên khích lệ đối với những giáo viên dạy thể dục bởi dạy ngoài trời là tương đối vất vả. Thực tế, môn thể dục có nhiều người 50 đến 55 tuổi là bị già, yếu động tác không chuẩn, không làm mẫu để giảng dạy được. Cũng có một số ít người 60 tuổi nhưng thể chất, thể lực khỏe thường xuyên luyện tập thì vẫn giảng dạy được, nhưng chắc là không nhiều. Vì thế, để đảm bảo chất lượng dạy và học môn thể dục cũng như sức khỏe giáo viên, cần xem xét giảm độ tuổi về hưu để thầy cô sớm được nghỉ ngơi".

Ngày 1/1/2021, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 1/TP-VPCP của Thủ tướng Chính phủ về Kết luận Hội nghị trực tuyến đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động. Trong Chỉ thị nêu rõ giao Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, rà soát, xây dựng Thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thay thế Công văn số 2753/LĐTBXH-BHLĐ ngày 01/8/1995 hướng dẫn cụ thể hai trường hợp giáo viên mầm non, giáo viên thể chất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/de-xuat-giao-vien-mam-non-the-duc-vao-nhom-nghe-nang-nhoc-la-hop-ly-20210108142958343.htm