Đề xuất hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 15/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam (VBA) đồng tổ chức hội thảo góp ý kiến về xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp đề xuất cần nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện trước khi sửa đổi sắc thuế này.

Trước đó, ngày 21/2, Bộ Tài chính có văn bản lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, VCCI; các hiệp hội có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật, đồng thời đăng tải hồ sơ lấy ý kiến lên website của Bộ Tài chính và Chính phủ. Nội dung đáng lưu ý của đề xuất lần này là: Bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng, mỗi loại thuế đều có ưu điểm và nhược điểm. Trong đó, quan trọng nhất của một chính sách thuế là tìm "điểm cân bằng" để giảm thiểu tiêu cực đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành (người cầm Mic) phát biểu tại hội thảo.

TS Võ Trí Thành (người cầm Mic) phát biểu tại hội thảo.

Do vậy, việc đề xuất áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia cần tính đến thời điểm và một lộ trình dài hơi.

Theo TS Võ Trí Thành, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang dần phục hồi sau đại dịch, còn rất nhiều khó khăn do biến động giá nguyên vật liệu thì một chính sách thuế điều chỉnh thời điểm này là 'lợi bất cập hại".

"Việc này, theo tôi là cần thời gian nghiên cứu đầy đủ hơn", ông Thành ý kiến. Theo ông, nên tính toán lùi thời điểm sửa đổi luật này sang năm 2026, với mục tiêu hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô và sự chuẩn bị của các đối tượng bị tác động.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - cho rằng, việc sửa Luật Thuế TTĐB (trong đó có đồ uống có đường) cần đánh giá tác động về mặt xã hội. Bộ Tài chính mong muốn áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường để tăng thu ngân sách, nhưng trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, không phải lúc nào tăng thuế cũng đồng nghĩa tăng nguồn thu. Ông Việt cho rằng, cần minh bạch hóa chính sách, có lộ trình điều chỉnh thuế.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường với lý do đây là nguyên nhân gây thừa cân béo phì là thiếu cơ sở khoa học.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì, bao gồm: Thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, đồ ăn nhanh, các thực phẩm có chứa đường trên đường phố.

"Chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của thừa cân béo phì với đồ uống có đường", TS. Nguyễn Thị Lâm, cho biết.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - xã hội - phát biểu.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - xã hội - phát biểu.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - xã hội của Quốc hội - cho biết, cần làm rõ thời điểm sửa đổi luật, đã có trong chương trình chưa, có phù hợp trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Hiện Chính phủ đang nghiên cứu kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Bộ Tài chính muốn đề xuất sửa luật tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và thị trường thì cần có nghiên cứu thấu đáo, có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn để thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Hà Nhân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-hoan-sua-doi-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-post1517670.tpo