Đề xuất kéo dài thí điểm cơ chế đặc thù cho Tp.HCM đến hết 2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Tp.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM đến hết ngày 31/12/2023.
Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Chính phủ, báo cáo Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM (Nghị quyết 54/2017/QH14) sau 5 năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tại Nghị quyết này, Quốc hội cho phép TP thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách trên 4 lĩnh vực, như: Quản lý đất đai; Quản lý đầu tư; Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nghị quyết 54/2017/QH14 được Quốc hội ban hành là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP”.
Qua 5 năm thực hiện, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015; trong quý 1 và 2/2022 cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2015).
Theo đánh giá của TP, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của TP.
Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, tại Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra một số nội dung triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp; một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền).
Thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, Chính phủ đề xuất, cho phép Tp.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết này đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ4, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý, với tính chất là Nghị quyết thí điểm để nhân rộng mô hình, áp dụng cho một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhằm tạo sức lan tỏa trong phạm vi quốc gia thì nội dung tổng kết cần khẳng định rõ việc thực hiện thí điểm có được coi là thành công hay không; sức lan tỏa đến đâu; hiệu quả mang lại trên các mặt kinh tế - xã hội, đối với đời sống người dân...
Qua tổng kết cần đánh giá được tính hợp lý, khả thi, quy mô của chính sách thí điểm, theo đó cần làm rõ, qua 5 năm thực hiện, các chính sách có thực sự phù hợp với đặc thù của Tp.HCM hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho TP.
Bên cạnh đó cần bóc tách thành các nhóm vấn đề gồm: những cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp với TP, đã và đang phát huy tác dụng, cần tiếp tục áp dụng, nhân rộng; những chính sách cần thiết với TP nhưng chưa phát huy tác dụng do dịch bệnh, do vướng mắc với các quy định khác, cần giải quyết vướng mắc để tiếp tục áp dụng trong giai đoạn tới; chính sách không phù hợp, đề nghị bãi bỏ; những chính sách đến nay không còn là đặc thù do pháp luật đã điều chỉnh để áp dụng phổ cập.
Đồng thời, cần đánh giá khách quan, chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế dưới góc độ vướng mắc do thể chế, pháp luật (cần làm rõ những điều khoản, văn bản nào, quy trình, thủ tục nào cản trở việc thực hiện); nhận diện thẳng thắn những hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc trách nhiệm của TP phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…); vướng mắc do cơ chế phối hợp…
Về đề nghị được tiếp tục áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, hiện nay, Chính phủ chưa đưa ra được những đề xuất chính sách để áp dụng ổn định sau thời gian thí điểm. Vì vậy, để có thêm căn cứ chính trị vững chắc trong đổi mới chính sách, pháp luật cho TP, thì trước mắt nên cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Sau khi tổng kết toàn diện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ khẩn trương “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội.