Đề xuất khảo sát sự hài lòng của người dân bằng hình thức trực tuyến
Góp ý về dự thảo của Bộ Nội vụ về phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2026, một số đại biểu đề xuất hướng tới nên sử dụng hình thức khảo sát trực tuyến trên mạng internet để tạo thuận tiện cho người trả lời phiếu khảo sát.
Sáng 4-11, tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2026.
Theo dự thảo quyết định của Bộ Nội vụ về ban hành phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2026, việc đo lường được tiến hành trên phạm vi cả nước.
Nội dung đo lường gồm 2 khía cạnh/lĩnh vực hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước được lựa chọn để đo lường sự hài lòng của người dân: Thực thi quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.
Mỗi khía cạnh/lĩnh vực được lựa chọn một số yếu tố quan trọng để đo lường sự hài lòng của người dân. Cụ thể, đối với khía cạnh/lĩnh vực thực thi quản lý nhà nước, 6 yếu tố quan trọng được lựa chọn để đo lường là: Cung cấp thông tin; ban hành, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách/quy định; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bộ máy các cơ quan chính quyền/cơ quan hành chính ở địa phương; kết quả, tác động; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.
Đối với khía cạnh/lĩnh vực cung ứng dịch vụ công sẽ đo lường sự hài lòng của người dân đối với một số dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, gồm: Giáo dục phổ thông ở địa phương; khám, chữa bệnh ở địa phương; trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; giao thông, vận tải ở địa phương; an sinh xã hội ở địa phương.
3 yếu tố quan trọng của quá trình cung ứng dịch vụ công được lựa chọn để đo lường sự hài lòng của người dân là: Chính sách/quy định, thủ tục hành chính; cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức; kết quả, tác động.
Việc thu thập thông tin đo lường sự hài lòng sẽ áp dụng hình thức khảo sát chọn mẫu để thu thập thông tin đo lường sự hài lòng. Đối tượng khảo sát là người dân ở độ tuổi từ 18 trở lên đại diện cho hộ gia đình.
Tùy theo điều kiện, nguồn lực cụ thể, cơ quan thực hiện việc đo lường có thể áp dụng một hoặc nhiều cách thức khảo sát khác nhau để thu thập thông tin đo lường sự hài lòng, như: phiếu khảo sát trực tiếp đến người dân; phát phiếu khảo sát qua đường bưu điện; phỏng vấn trực tiếp người dân dựa trên câu hỏi có sẵn; phỏng vấn người dân qua điện thoại dựa trên câu hỏi có sẵn; đăng tải, trả lời phiếu khảo sát trực tuyến trên mạng internet.
Đại diện Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đánh giá, dự thảo phương pháp đo lường sự hài lòng lần này có nhiều điểm mới, mở rộng đối tượng, đánh giá gắn với dịch vụ công. Quá trình xây dựng dự thảo đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính chính và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội thảo, một số đại biểu thống nhất với phương pháp đo lường theo dự thảo của Bộ Nội vụ. Đồng thời cho rằng việc triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và cơ quan nhà nước có ý nghĩa thiết thực.
Kết quả của cuộc khảo sát có thể là cơ sở để tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới.
Một vài đại biểu đề nghị trong phiếu khảo sát nên bổ sung thêm một số nội dung khảo sát về dịch vụ giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, vì đây cũng là những nội dung được nhiều người dân quan tâm hiện nay và những là dịch vụ công cơ bản, thiết yếu. Các câu hỏi nêu trong phiếu khảo sát nên gắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu.
Đóng góp về cách thức khảo sát, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Kiệm đề xuất giai đoạn 2024-2025 khi đủ điều kiện, Bộ Nội vụ nên chọn cách thức khảo sát sự hài lòng của người dân bằng hình trực tuyến nhằm tạo thuận tiện cho người trả lời.
Đồng tình đề xuất trên, một số đại biểu cho rằng hướng tới nên chọn hình thức đăng tải, trả lời phiếu khảo sát trực tuyến trên mạng internet. Bởi khảo sát bằng hình thức này không chỉ tạo thuận tiện cho người trả lời phiếu khảo sát, mà còn giảm chi phí, thời gian khảo sát nhanh chóng, giảm sai số, hiệu quả trong việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu ở các khu vực khác nhau.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Ngô Quang Phát cho biết Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời tiếp tục có văn bản xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện dự thảo phương pháp đo lường sự hài lòng sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2026.
Việc hoàn thiện dự thảo phương pháp đo lường nếu kịp ban hành trong năm 2022 sẽ tiến hành ngay theo phương pháp mới; nếu không kịp, Bộ Nội vụ có thể sử dụng phương án dự phòng đó là sẽ đo lường sự hài lòng của người dân trong năm 2022 theo phương pháp giai đoạn cũ.