Đề xuất không để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nắm Quỹ bình ổn giá

Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh như hiện nay, mà sẽ do Nhà nước nắm giữ.

Đây là điểm mới tại hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo đó, Bộ này không đưa ra các quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu như tại các bản thảo trước đây. Thay vào đó, việc sử dụng Quỹ theo quy định Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 1/7). Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách Nhà nước, theo dự thảo nghị định.

 Thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.

Thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo Luật Giá 2023.

Trong trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường... Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá 2023.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập Quỹ.

Các Bộ, ngành xây dựng phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ cho phép về mặt chủ trương, sau khi có chủ trương các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Việc sử dụng Quỹ bình ổn thực hiện theo Luật giá 2023. Biện pháp bình ổn là có thời hạn.

Như vậy, trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.

“Điểm mới là Quỹ bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện”, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm.

Về chuyển số dư Quỹ, đại diện Vụ thị trường trong nước cho hay: “Việc này mới là dự kiến của cơ quan soạn thảo. Để sử dụng tập trung sẽ phải tính phương án chuyển Quỹ này về đâu. Phương án này cần tính tới nhiều mặt, xem có chuyển được không do liên quan tới vấn đề ngân sách”.

Về phía Bộ Tài chính, một lãnh đạo cơ quan quản lý giá cho biết họ sẽ xem xét và có ý kiến về dự thảo này.

Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và Nghị định 95). Tức là, quỹ này đã tồn tại trước thời điểm Luật giá 2012 được ban hành. Quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại một tài khoản ngân hàng riêng. Cứ mỗi lít xăng bán ra sẽ có 300 đồng được trích lại, đưa vào quỹ.

Theo Bộ Công Thương, quỹ này vừa qua được sử dụng thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra, kiểm tra có ý kiến về việc trích, chi sử dụng quỹ chưa phù hợp với Luật Giá. Hơn nữa, Bộ này cho hay từ khi rút ngắn chu kỳ điều hành giá xuống 7 ngày một lần, mức biến động giữa hai lần không lớn, chưa phải dùng tới Quỹ bình ổn.

Trước đó, nhiều ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất bỏ quỹ này, thay thế bằng các công cụ điều hành khác như thuế phí, dự trữ xăng dầu quốc gia. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất giao một cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý. Việc này nhằm khắc phục những bất cập về tình trạng sử dụng quỹ như thời gian qua, minh bạch các thông tin.

Từ năm 2010 đến nay, Quỹ bình ổn giá luôn luôn dương khi chốt số vào thời điểm cuối năm, trong đó thấp nhất là 169 tỷ đồng vào 2013 và cao nhất hơn 9.235 tỷ đồng vào 2020. Số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước, theo Bộ Tài chính.

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/de-xuat-khong-de-doanh-nghiep-dau-moi-xang-dau-nam-quy-binh-on-gia-90297.html