Đề xuất loạt giải pháp thông dòng vốn 'xanh hóa' xe buýt

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, hiện cơ chế chính sách về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn chưa thực sự hấp dẫn các đơn vị vận tải

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố vừa kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07 của HĐND thành phố về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải.

Hà Nội đang nỗ lực xanh hóa đoàn phương tiện xe buýt. Ảnh minh họa.

Hà Nội đang nỗ lực xanh hóa đoàn phương tiện xe buýt. Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Nghị quyết số 07, ngân sách Thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cụ thể theo từng dự án được UBND thành phố phê duyệt.

Nội dung này hiện còn một số nội dung bất cập dẫn đến việc chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào tiếp cận được chính sách này cũng như chưa thực sự hấp dẫn khuyến khích các đơn vị tham gia.

Cụ thể, thực tế chưa có quy định cụ thể về hạn mức hỗ trợ lãi vay. Hơn nữa, việc quy định điều kiện vay phải theo dự án được UBND thành phố duyệt là rào cản chưa phù hợp với thực tế; Thứ ba: mức hỗ trợ 50% chi phí lãi vay trong 5 năm đầu vẫn chưa thực sự hấp dẫn các đơn vị tham gia.

UBND TP Hà Nội hiện đã phê duyệt ''Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố" tại Quyết định số 6004, trong đó xác định mục tiêu ''tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 đạt khoảng 70%-90% (theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 50%) và đến năm 2035 đạt 100% (theo Quyết định 876/QĐ-TTg là đến năm 2050 đạt 100%)''.

Theo đó, từ nay đến năm 2035 sẽ phải đầu tư khoảng 3.070 phương tiện buýt sử dụng năng lượng xanh, sạch (2.051 phương tiện buýt diesel hiện có thay thế chuyển đổi sang nhiên liệu xanh, sạch; 1.019 phương tiện buýt phát triển mới sử dụng năng lượng xanh, sạch).

Có thể thấy, số lượng xe buýt cần đầu tư cũng như hạ tầng trạm sạc phục vụ là rất lớn và sẽ tác động ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp đang và sẽ cung cấp dịch vụ này. Nếu thành phố không có các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì việc triển khai thực hiện Đề án theo mục tiêu đặt ra là khó có thể thực hiện được.

Tại Nghị quyết số 07 có rất nhiều nội dung được đề cập và các cơ chế chính sách liên quan đến khuyến khích đầu tư hạ tầng, đầu tư phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh chỉ là một trong nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành.

Theo đó, nếu chờ để sửa đổi hoàn chỉnh cũng như thay thế toàn diện các cơ chế, chính sách đã nêu tại Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND sẽ mất nhiều thời gian, trong khi đó việc thực hiện "xanh hóa" đoàn phương tiện buýt đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Từ đây, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông đô thị Hà Nội khẳng định việc khẩn trương triển khai nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 07 (thay thế cho quy định tại Điểm c, Khoản 4 điều 2 Nghị quyết số 07) là rất cần thiết.

Theo đó, cơ quan này kiến nghị sửa đổi, bổ sung và thay thế cơ chế hỗ trợ lãi vay đầu tư hạ tầng và mua sắm phương tiện xe buýt điện, năng lượng xanh.

Cụ thể, xác định hạn mức khoản vay theo hướng bằng 100% giá trị khoản vay; tăng tỷ lệ hỗ trợ lãi vay cũng như thời gian vay; xem xét, điều chỉnh lại điều kiện vay theo hướng không ràng buộc dự án phải được UBND thành phố phê duyệt;

Mở rộng đối tượng cho vay theo hướng ngoài ngân hàng thương mại, bổ sung thêm Quỹ đầu tư phát triển và các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật;

Định hướng phân bổ kinh phí hằng năm mang tính tập trung cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố để thanh toán, giải ngân có các đối tượng, chủ thể được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố.

Cùng với đó bổ sung thêm một số cơ chế chính sách khác nhằm khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị tham gia đầu tư hạ tầng trạm sạc cũng như chuyển đổi, đầu tư mới phương tiện buýt sử dụng năng lượng xanh, sạch trên địa bàn.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội trình HĐND thành phố khóa XVI xem xét, thông qua vào kỳ họp giữa năm 2025 (tháng 7/2025).

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-loat-giai-phap-thong-dong-von-xanh-hoa-xe-buyt-192250328112451095.htm