Đề xuất lùi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
Trước khi Quốc hội thảo luận vào chiều nay (1/11), PGS-TS Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mong muốn các đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Theo Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản… thuộc sở hữu toàn dân. Tài sản thuộc sở hữu của người dân nên tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng phải có nghĩa vụ đóng góp một phần lợi nhuận vào ngân sách nhà nước (NSNN). Đây là một trong những lý do khiến một số đại biểu Quốc hội không đồng ý với việc cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.
Lý do nữa là, Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 có quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhưng phải đến ngày 1/1/2014, Nghị định 203/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới có hiệu lực. Tức là, từ ngày 1/7/2011 đến 31/12/2013, NSNN không thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Tương tự, Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, nhưng phải đến ngày 1/9/2017 mới có thể thu vì khi đó Nghị định 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mới có hiệu lực thi hành.
Chính vì thế, nhiều đại biểu không đồng tình cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước thêm nữa. Chưa kể, số tiền đề nghị cho lùi rất lớn, khoảng gần 5.050 tỷ đồng, trong khi cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, nên phải thu lại số tiền này.
Vậy tại sao, ông lại đồng tình với quan điểm cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước?
Chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không phải do lỗi của doanh nghiệp, mà do phía cơ quan quản lý nhà nước chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Theo quy định thì chỉ hồi tố khi làm lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chứ không hồi tố khi có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không cho lùi thì doanh nghiệp khai thác khoáng sản và tài nguyên nước phải tìm nguồn tài chính để đóng vào NSNN, như vậy, doanh nghiệp bất lợi.
Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và tài nguyên nước đã quyết toán tài chính, đã công bố lỗ - lãi, đã chia cổ tức và lợi nhuận, khoản tiền chưa nộp đã được tính vào lợi nhuận và đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, thậm chí không ít doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, nên việc thu lại khoản tiền này hầu như không khả thi.
Hơn nữa, nếu thu lại số tiền này thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán tài nguyên, khoáng sản, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
Thực hiện các hiệp định thương mại tự do, các mặt hàng chế biến từ khoáng sản như xi măng chẳng hạn, không chỉ phải cạnh tranh trên thị trường thế giới, mà cạnh tranh ngay chính trên thị trường nội địa, nếu “quyết” thu lại số tiền này, chắc chắn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa chế biến từ khoáng sản ngay chính thị trường trong nước chứ chưa nói gì tới thị trường xuất khẩu.
Nhưng vấn đề là kỷ luật, kỷ cương phải thực hiện theo đúng pháp luật, thưa ông?
Chính phủ đã xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định 203/2013/NĐ-CP và Nghị định 82/2017/NĐ-CP. Chính phủ cũng đã yêu cầu, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thẩm định nghị định là Bộ Tư pháp tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì xây dựng, của từng cá nhân liên quan và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ đã nhận trách nhiệm, vì vậy, tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Thực ra, việc cho lùi thời hạn, NSNN cũng không phải mất số tiền gần 5.050 tỷ đồng như tính toán, vì để thu được, NSNN phải chi ra số tiền không nhỏ trong việc xác định mức thu, số tiền phải thu, quản lý thuế, vì khoản thu này rất phức tạp.
Hơn nữa, ước tính 80 - 90% khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước chưa thu được đều do doanh nghiệp nhà nước như EVN, Vinacomin, PVN… là chủ đầu tư. Tài sản của doanh nghiệp nhà nước cũng thuộc thuộc sở hữu toàn dân, nên để lại cho doanh nghiệp cũng không mất đi đâu.
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại nếu lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn luật và cứ không thu được thì gia hạn hoặc miễn?
Luật Ban hành văn bản quy phạm trước đây không quy định khi trình dự án luật phải trình dự thảo nghị định hướng dẫn, nên có sự chậm trễ. Nhưng kể từ ngày 1/7/2016, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, buộc cơ quan trình dự án luật phải trình kèm theo dự thảo nghị định hướng dẫn và khi luật có hiệu lực buộc phải hoàn thiện tất cả văn bản hướng dẫn, vì vậy không lo việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm. Trong 3 năm gần đây, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn được khắc phục cơ bản.
Thực tế thì việc xây dựng văn bản hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước vô cùng phức tạp vì tiến hành khảo sát, đo đếm loại khoáng sản, trữ lượng khoáng sản, chất lượng khoáng sản, điều kiện khai thác, giá thành khai thác, giá thị trường… nên dù cơ quan chủ trì soạn thảo đã hết sức cố gắng, nhưng vẫn bị chậm.