Đề xuất miễn, giảm thuế TNDN, TNCN tới 10 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị nâng thời hạn miễn, giảm thuế TNDN lên 10 năm cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và nâng thời hạn miễn thuế TNCN lên 10 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, các nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp này.

Tăng thời hạn miễn thuế TNDN, TNCN

Ngày 16/5, góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tại dự thảo nghị quyết, trong đó có 4 nhóm đối tượng được miễn giảm thuế quy định tại Điều 10.

Theo đại biểu, so với các chính sách khuyến khích khác như là ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì hỗ trợ miễn giảm thuế có tác động nhanh, trực tiếp, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

 Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh).

Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh).

Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự có hiệu quả khi triển khai thực hiện, đại biểu Vân đề nghị nâng thời hạn miễn thuế TNDN lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo thay vì miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo như khoản 1 Điều 10 dự thảo nghị quyết quy định.

Lý giải về đề xuất này, đại biểu Trần Thị Vân chỉ rõ, đặc thù của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ tuyển dụng và giữ chân đội ngũ nhân sự chất nượng cao, đồng thời liên tục phải điều chỉnh để thích nghi với biến động của thị trường.

Trong suốt quá trình bươn chải để sống sót đó, họ phải chấp nhận nguy cơ thua lỗ, thậm chí là có thể không có lãi trong 5 đến 7 năm đầu. Việc chỉ miễn, giảm thuế TNDN trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo quy định là quá ngắn so với chu kỳ phát triển thực tế của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh.

“Chính sách thuế cần được thiết kế theo hướng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu; kéo dài thời gian miễn, giảm thuế sẽ tạo dư địa tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Đây cũng là giải pháp thiết thực để nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài”, đại biểu Vân chia sẻ.

Cũng theo đại biểu đoàn Bắc Binh, cần nâng thời hạn miễn thuế TNCN lên 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, các nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại khoản 3 Điều 10. Các chuyên gia, nhà khoa học là nhân sự nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị của công nghệ đổi mới sáng tạo và đưa sản phẩm ra thị trường.

Đại biểu dẫn chứng, thực tiễn cho thấy nhiều quốc gia đã có các chính sách cạnh tranh rất mạnh mẽ trong lĩnh vực này như là Thái Lan, họ đã miễn thuế TNCN tới 10 năm cho các nhà đầu tư và chuyên gia làm việc trong 10 lĩnh vực công nghệ sáng tạo, chiến lược. Nếu chúng ta không có chính sách đủ hấp dẫn, cạnh tranh thì sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo được các bước đột phá về công nghệ trong tương lai.

Tăng thời gian miễn thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Vân đề nghị miễn thuế TNDN trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh lợi nhuận thay vì kể từ khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đăng ký kinh doanh lần đầu tại khoản 4 Điều 10 dự thảo nghị quyết. Theo đại biểu, doanh nghiệp thì thường không có lợi nhuận ngay sau khi mới thành lập và giai đoạn đầu thường là giai đoạn tập trung cho đầu tư xây dựng, tuyển dụng, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, nếu chúng ta miễn thuế ngay từ khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp có lãi thì thời gian miễn thuế đã hết, như vậy chính sách miễn thuế trở nên hình thức và không có hiệu quả. Vì vậy, cần miễn thuế đúng thời điểm, doanh nghiệp có khả năng đóng thuế đó là khi họ có lợi nhuận.

 Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình).

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình).

Quan tâm tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng đây là nhóm chủ thể rất quan trọng, chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp hiện nay và rất cần nhiều cơ chế, chính sách rõ ràng, đột phá để vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, vừa tạo động lực phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.

Trong dự thảo nghị quyết, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, mặt bằng sản xuất – kinh doanh, tín dụng và tài chính đã được đưa ra nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả thực chất và có tính đột phá rõ ràng, phù hợp với nhu cầu thực tế của nhóm doanh nghiệp này.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về thuế, đại biểu đề nghị xem xét lại mức ưu đãi thuế TNDN tại khoản 1 Điều 10 – miễn thuế 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mức ưu đãi này chưa thực sự nổi bật so với các chính sách hiện hành, ví dụ như miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; hoặc miễn 4 năm, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo; hoặc miễn 2 năm, giảm 50% trong 4 năm đối với các dự án đầu tư cụ thể như dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp.

Do đó, đại biểu cho rằng, nếu so sánh với các chính sách ưu đãi hiện hành, quy định trong dự thảo chưa mang lại hiệu quả nổi bật.

Đại biểu Thanh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách có tính liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm doanh nghiệp - từ doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đến hộ kinh doanh cá thể - nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững và có tính dẫn dắt trong toàn hệ sinh thái doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết quy định Hỗ trợ thuế:

1. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

3. Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

4. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

5. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp khoán thuế từ ngày 01 tháng 7 năm 2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-mien-giam-thue-tndn-tncn-toi-10-nam-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao-d58438.html