Đề xuất miễn học phí bậc THCS là chính sách nhân văn, cần làm ngay
Các chuyên gia hoàn toàn ủng hộ đề xuất miễn giảm học phí bậc THCS và cho rằng, cần thực hiện ngay để học sinh được hưởng đặc quyền giáo dục cơ bản.
Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên, ủng hộ đề xuất miễn học phí bậc THCS từ năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống ba năm qua. "Đây là đề xuất rất nhân văn, đúng thời điểm, đặc biệt là với học sinh nghèo, vùng khó khăn", ông nói và mong việc miễn học phí sẽ thực hiện ở cả bậc THCS và THPT.
Riêng với Phú Yên, từ trước đến nay, địa phương chưa có phương án miễn học phí bậc THCS do điều kiện kinh tế còn khó khăn, không giống một số nơi như Hải Phòng, Đà Nẵng thực hiện miễn từ năm học trước.
"Phú Yên mới chỉ miễn học phí bậc tiểu học theo quy định trong Luật Giáo dục. Nếu Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT, tỉnh chắc chắn sẽ lên kế hoạch, cân đối lại ngân sách để miễn học phí cho học sinh bậc THCS, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tới trường", ông nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, cũng tán thành đề xuất miễn học phí bậc THCS, "cần làm càng sớm càng tốt". "Nếu Chính phủ đồng ý áp dụng ngay từ năm học tới 2022 - 2023 là điều rất tốt cho học sinh, phụ huynh", ông nói. Hiện, Hà Nam chưa có chính sách miễn học phí bậc THCS, nếu Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ GD&ĐT, địa phương sẽ xem xét, lên phương án cân đối ngân sách để đảm bảo quyền lợi cho các em.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, việc miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc nên thực hiện từ lâu. Bậc tiểu học và THCS là cấp học bắt buộc nên cần miễn phí để khuyến khích 100% trẻ toàn quốc được đi học, hưởng giáo dục căn bản. THCS là bậc giáo dục cơ bản, có thể chưa được gọi là giáo dục bắt buộc nhưng về bản chất và mục tiêu là giáo dục bắt buộc.
Ông Báo phân tích, Nghị quyết Quốc hội cho thấy, giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9. Mục tiêu là học sinh được giáo dục những tri thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất, phổ thông nhất. Giai đoạn sau, ở cấp THPT là phân hóa, định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ được học sâu hơn ở các môn.
"Giai đoạn 1 nên được gọi là phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, dựa trên tính chất của giai đoạn này, dù chưa được nêu trong Luật. Như vậy, mọi công dân ít nhất từ lớp 1 đến lớp 9 phải được hưởng thụ giáo dục cơ bản. Đây là điều vô cùng quan trọng, cần thực hiện ngay, đến giờ mới làm là muộn", GS Báo nói.
Ba năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc miễn, giảm học phí là điều cần làm ngay. "Nếu không có kinh phí, chúng ta cần tìm cho ra để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi", ông nói.
Ông lấy dẫn chứng một số nước trên thế giới miễn học phí cho toàn bộ học sinh trong cả giai đoạn phổ thông để đầu tư vào giáo dục. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, việc miễn học phí cả giai đoạn giáo dục phổ thông sẽ khó, nhưng giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9 nên được miễn. "Không có kinh phí thì chúng ta cần nghĩ cách khác để làm được việc này, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu", vị chuyên gia nói.
Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, sáng 4/7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023. Theo thống kê, cả nước có 5,5 triệu học sinh THCS, học phí bình quân 2 triệu đồng mỗi năm học, ngân sách sẽ cấp bù gần 11.200 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất, ngân sách Nhà nước phải tăng thêm gần 25.200 tỷ đồng trong ba năm (2022 - 2024).
Thời gian qua, một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh các cấp. Từ năm học 2020 - 2021, thành phố Hải Phòng thực hiện lộ trình miễn 100% học phí từ bậc mầm non tới THPT, bổ túc. TP.HCM đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí năm học 2022-2023, từ nguồn ngân sách. Năm học 2021 - 2022, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì COVID-19.