Đề xuất mở rộng quyền cho người trúng đấu giá biển số ô tô
Các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về giá khởi điểm khi đấu giá biển số xe.
Ngày 7-11, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc xác định giá khởi điểm của biển số mang ra đấu giá.
Có ô tô 800 triệu, biển 99999 bán lại được 1,7 tỉ
Dự thảo nghị quyết đề xuất mức giá khởi điểm được áp dụng ở Hà Nội và TP.HCM là 40 triệu đồng, trong khi ở các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.
Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề xuất cách xác định biển số nào là biển số rất đẹp. ĐB Đoàn Bình Định cho hay ông quan sát thấy người dân chia số đẹp thành hai nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian với các số như 39, 79, 86... và nhóm các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 12121, 34567, 88899...
“Thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ô tô đã giúp giá trị của xe tăng lên rất nhiều, có xe 800 triệu đồng khi có được biển 99999 đã bán lại 1,7 tỉ đồng” - ông Cảnh nói và đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số như số năm chữ số giống nhau; bốn chữ số đầu hoặc bốn chữ số cuối giống nhau; năm chữ số tiến đều… Đây là những số bắt buộc đấu giá và mức giá khởi điểm là 200 triệu đồng.
“Nhóm số này chiếm 2,42% tổng kho số” - ông Cảnh tính toán.
Cũng theo ĐB Đoàn Bình Định, hiện nay Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá 3-40 tỉ đồng, nếu tính mức khởi điểm 5% giá trị các dòng xe thì sẽ khoảng từ 150 triệu đến 2 tỉ đồng. “Vậy nên mức giá khởi điểm 200 triệu đồng là hợp lý” - vẫn lời ông Cảnh.
Nam ĐB khẳng định xác suất người có xe sang, người muốn có biển số đẹp đấu giá hết kho biển số rất đẹp là rất cao, vì thực tế biển số rất đẹp gắn vào xe sang đã giúp giá trị xe tăng từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.
“Nhiều tỉnh có đầu số gắn với các số bắt buộc đấu giá tạo ra những con số rất đặc biệt” - ông Cảnh đề xuất thêm và dẫn chứng Bắc Ninh có biển 99-999.99 (Bắc Ninh có đầu số biển là 99), Hải Dương có biển 34-567.89 (Hải Dương có đầu số biển là 34), Kiên Giang 68-688.88... (Kiên Giang có đầu số biển là 68). Những biển số này nếu được đấu giá trực tiếp tại những sự kiện đặc biệt như Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông... thì từng biển số có thể đấu giá đến vài tỉ đồng.
“Đấu giá trực tuyến, tất cả mọi người đều được tham gia đấu giá. Vì vậy, đưa ra một mức giá khởi điểm không phân biệt vùng 1, vùng 2 là hoàn toàn phù hợp.”
ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị mức giá khởi điểm đối với Hà Nội, TP.HCM là 40 triệu đồng, gấp đôi lệ phí đăng ký được áp dụng hiện nay. Với các địa phương còn lại, ĐB này đề nghị mức giá khởi điểm chỉ khoảng 10 triệu đồng.
Còn ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) lại cho rằng giá khởi điểm chỉ nên quy định một mức, áp dụng chung trong cả nước, là 40 triệu đồng. “Đấu giá trực tuyến, tất cả mọi người đều được tham gia đấu giá. Vì vậy, đưa ra một mức giá khởi điểm không phân biệt vùng 1, vùng 2 là hoàn toàn phù hợp” - bà Thu nêu.
Băn khoăn về quyền của người trúng đấu giá...
Một vấn đề khác còn nhiều ý kiến đó là quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Khánh Hòa) cho rằng dự thảo nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá.
Ông dẫn chứng: Theo dự thảo, người chủ tài sản đối với biển số ô tô trúng đấu giá không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.
“Tôi cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn” - chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói.
Theo ông Thịnh, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản, dù là tài sản đặc thù đi chăng nữa cũng vẫn là tài sản và phải tuân theo những quy định của BLDS. Với quy định như dự thảo nghị quyết, ông lo ngại sẽ không khuyến khích được mọi người tham gia đấu giá biển số ô tô.
“Tôi đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô để họ có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế, điều này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan...” - ông Thịnh nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Phương Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Đoàn TP Hà Nội) cho hay theo quy định hiện hành, ô tô phải thực hiện đăng ký và được cấp biển số có số đăng ký theo tỉnh, TP mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, TP khác phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, TP nơi chuyển đến.
Trong khi đó, theo dự thảo nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như hiện nay nữa. “Liệu có khi nào các biển số xe với các đầu số từ 29 đến 33 của TP Hà Nội sẽ chủ yếu được gắn trên xe của các địa phương khác, bởi vì nếu tôi sinh sống ở các tỉnh trong khu vực miền Bắc, tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có thêm biển số Hà Nội” - bà Thủy nói.
Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện nhưng trong báo cáo đánh giá tác động chưa đề cập đến việc này.
Ngoài ra, nữ ĐB đề nghị cần có quy định giới hạn thời gian được sử dụng quyền của người trúng đấu giá có thể tối đa là 20 năm hoặc tương ứng với niên hạn sử dụng của xe được gắn biển số.
Hạn chế quyền để tránh đầu cơ biển số ô tô
Mới đây, thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã ký báo cáo giải trình ý kiến của các ĐBQH thảo luận ở tổ.
Làm rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết đây là nghị quyết thí điểm nên Bộ Công an đề xuất phương án người trúng đấu giá được sử dụng và khi bán xe được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá đăng ký cho xe khác.
Bộ Công an chưa đề xuất phương án người trúng đấu giá có đủ ba quyền (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt). Khi hết thời gian thí điểm, nếu không thực hiện tiếp sẽ không tác động, ảnh hưởng nhiều đến các quyền của người trúng đấu giá. Nếu thực hiện tiếp, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đề xuất mở rộng quyền của người trúng đấu giá.
Cũng theo ông Long, việc hạn chế quyền như trên còn để tránh tình trạng đầu cơ biển số ô tô.
Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-mo-rong-quyen-cho-nguoi-trung-dau-gia-bien-so-o-to-post706814.html