Đề xuất mở thêm trung tâm chiếu xạ nông sản ở miền Bắc
Đây là một trong những gợi ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT chiều 15/2, về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định ngành nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế. “Trụ đỡ có lẽ không phù hợp mà vai trò của ngành nông nghiệp phải là bệ đỡ của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và tâm huyết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản pháp quy phục vụ sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian tới.
Bày tỏ sự đồng thuận với 9 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PNT đưa ra trong năm 2023, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, cần sắp xếp các nhiệm vụ này theo thứ tự ưu tiên, không thể dàn trải: Nếu cứ dàn hàng ngang thì chúng ta không đủ lực, không đủ nguồn, thậm chí không đủ kiên nhẫn để làm.
"Chính phủ sẽ cùng đồng hành với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với tinh thần mọi cố gắng, nỗ lực đều có giá trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để ngành hoàn thành tốt trọng trách được giao trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
Tập trung giải quyết 3 vấn đề
Liên quan đến những vướng mắc còn tồn tại với ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra 3 vấn đề. Đầu tiên là những vướng mắc ngay từ nội tại khiến ngành vẫn đang còn loay hoay. Thứ hai là những vướng mắc chung về cơ chế và vấn đề thứ ba là vướng mắc trong quá trình phối hợp, giải quyết nhiệm vụ của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề cơ chế ngân sách trong các dự án của Bộ NN&PTNT cũng như nhắc nhở việc tăng cường tính tự giác trong quá trình làm việc để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Vấn đề cụ thể đầu tiên mà Phó Thủ tướng nêu ra đó là “thẻ vàng IUU”. Theo ông, chỉ còn nửa năm nữa là đến hạn kiểm tra và đây là lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải thể hiện cho những người có trách nhiệm thấy rằng chúng ta đã có những nỗ lực rất tích cực và bước đầu đã có được những thành quả đáng ghi nhận.
Một trong các gợi ý lớn mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng trao đổi với Bộ NN&PTNT là mở rộng các cơ sở chiếu xạ cho hoa quả, thực phẩm đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu ra khu vực miền Bắc để giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đó, các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận đều nằm ở phía Nam gây gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản miền Bắc như vải, nhãn… Hiện nay, có một trung tâm chiếu xạ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ ở Hà Nội, có đầy đủ nhân lực, máy móc theo tiêu chuẩn của Mỹ nhưng lại gặp vấn đề về giá do nhu cầu chiếu xạ ở miền Bắc không nhiều, không liên tục nên giá cao hơn ở phía Nam.
“Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để bước đầu có cơ chế nào đó để hỗ trợ trung tâm có thể hoạt động được với mức giá phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Sau đó khi hoạt động hiệu quả rồi thì có thể giảm dần hỗ trợ”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gợi ý.
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc ở các dự án thủy lợi
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, giải quyết vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án thủy lợi nhóm A. Cụ thể là Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk và Dự án Hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, phát triển thị trường đất đai trong nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng mong muốn được cho phép xây dựng đề án về chính sách (miễn giảm học phí và hỗ trợ một phần sinh hoạt phí) để thu hút sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp trình độ đại học do chất lượng lao động ngành nông nghiệp đã thấp và thế hệ trẻ thiếu sự quan tâm đến các ngành đào tạo nông nghiệp.
6 kết quả lớn của ngành nông nghiệp năm 2022
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn thời gian qua; một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Theo đó, trong 5 năm (2016 - 2020) và giai đoạn 2021 - 2022, Bộ đã hoàn thành khối lượng lớn các công việc, trong đó có 6 nhóm kết quả nổi bật.
Thứ nhất, hoàn thành tốt công tác tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để huy động nguồn lực cho phát triển ngành.
Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành; công tác cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Thứ ba, chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì xây dựng và triển khai ngày càng thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, là hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh từng bước hoàn thiện, phù hợp hơn với kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Thứ sáu, Bộ NN&PTNT đã chủ động, nhanh nhạy trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện Chính phủ điện tử.