Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về hàng loạt nội dung quan trọng của Luật Căn cước

Về Dự thảo Luật Căn cước, Bộ Công an đã tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo với hàng loạt vấn đề quan trọng như quy định nguyên tắc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói...

Về các hành vi bị nghiêm cấm, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này; sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử…

Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã bổ sung 2 nhóm thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm tên gọi khác, nơi sinh.

Về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý quy định rõ theo hướng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thu thập, cập nhật chủ yếu từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản lý và Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật;

Chỉ đối với trường hợp một số thông tin cơ bản như họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh... dùng để tạo lập số định danh cá nhân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước mới yêu cầu người dân cung cấp nhằm hạn chế tối đa việc tác động đến người dân.

 Bộ Công an đã tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật Căn cước với hàng loạt vấn đề quan trọng

Bộ Công an đã tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật Căn cước với hàng loạt vấn đề quan trọng

Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, Bộ Công an đã chỉnh lý, bổ sung quy định nguyên tắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thực hiện trên cơ sở được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc lưu trữ thông tin có sẵn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự, hành chính có trưng cầu giám định thông tin của đối tượng phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm và quy định rõ về việc chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho chặt chẽ, đầy đủ hơn);

Về quy định liên quan đến thẻ căn cước, đã bổ sung, quy định rõ về loại thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước và trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính…

Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước, Bộ Công an đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về nội dung quản lý người gốc Việt Nam, thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về thông tin, thẩm quyền cấp, giá trị sử dụng của căn cước điện tử…; Bổ sung giải thích đối với các thuật ngữ về sinh trắc học, định danh điện tử và xác thực điện tử đối với công dân Việt Nam…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-cua-bo-cong-an-ve-hang-loat-noi-dung-quan-trong-cua-luat-can-cuoc-post555218.antd