Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về thẩm quyền ra quyết định thanh tra trong Công an

Bộ Công an vừa có đề xuất mới nhất về thẩm quyền ra quyết định thanh tra, quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân với nhiều nội dung quan trọng…

Theo Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định quy trình thanh tra hành chính trong Công an nhân dân, Chánh Thanh tra Bộ có quyền ra quyết định thanh tra:

Các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an theo kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân;

Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Bộ trưởng Bộ Công an giao;

Thanh tra lại vụ việc đã được Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chánh Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Chánh Thanh tra Công an cấp tỉnh ra quyết định thanh tra: Các lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh được giao trong kế hoạch công tác thanh tra hằng năm của lực lượng Công an nhân dân;

Thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Giám đốc Công an cấp tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc các lĩnh vực, vụ việc do Giám đốc Công an cấp tỉnh giao.

Về xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra, Điều 15 dự thảo nêu rõ, khi phát hiện vi phạm của đối tượng thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra.

Trong trường hợp vi phạm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của Đoàn thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan có dấu hiệu tội phạm, Trưởng đoàn thanh tra phải hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo người ra quyết định thanh tra để chuyển ngay hồ sơ và văn bản kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết theo quy định. Biên bản bàn giao hồ sơ và văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra phải được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Việc xử lý đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị nghiêm cấm hoặc vi phạm nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Luật Thanh tra.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-cua-bo-cong-an-ve-tham-quyen-ra-quyet-dinh-thanh-tra-trong-cong-an-post589063.antd