Đề xuất mới về hệ thống cảnh báo ngăn bỏ quên trẻ trên xe chở học sinh

Tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô bản mới nhất đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, quy định rõ xe chở học sinh (School bus) là xe ôtô chở người chuyên dùng được thiết kế để chở không ít hơn 9 chỗ ngồi cho học sinh.

Riêng đối với xe có chở học sinh mẫu giáo, tiểu học thì phải có thêm tối thiếu 1 chỗ ngồi cho người quản lý học sinh và xe chở từ 29 học sinh mẫu giáo, tiểu học trở lên thì phải có thêm 2 chỗ ngồi cho người quản lý học sinh (không bao gồm lái xe). Đáng chú ý, dự thảo bổ sung yêu cầu kỹ thuật riêng đối với xe chở học sinh. Trong đó, nội dung xe phải được trang bị hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe nhận được nhiều quan tâm của người dân, doanh nghiệp, nhất là sau vụ việc bé 5 tuổi ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong xảy ra cách đây gần 2 tuần.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại dự thảo, ban soạn thảo quy định hệ thống cảnh báo học sinh bị bỏ quên trên xe có thể hoạt động tự động hoặc điều khiển bằng tay. Cùng đó, nêu rõ một số hệ thống cảnh báo hoặc có chức năng tương tự có thể trang bị trên xe để hoạt động độc lập hoặc kết hợp với nhau. Đơn cử như: Hệ thống được trang bị một số nút bấm khẩn cấp trên xe được bố trí lắp đặt tại một số vị trí đặc biệt, dễ quan sát. Học sinh khi bị bỏ quên sẽ ấn vào nút bấm đó và hệ thống được kích hoạt sẽ phát ra tiếng còi báo động, âm thanh khẩn cấp sao cho người đứng bên ngoài cách xe tối thiểu 50m phải nghe được. Đồng thời, hệ thống thực hiện liên lạc khẩn cấp (bằng tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại) trực tiếp đến lái xe, người quản lý học sinh. Âm thanh sẽ được dừng lại khi có người mở cửa, kiểm tra xe và tắt hệ thống. Hoặc có thể là hệ thống được kích hoạt sau khi tắt động cơ hoặc rút chìa ra khỏi ổ khóa trong vòng 3 phút, lái xe phải xuống cuối xe và bấm một nút để khẳng định không còn bất cứ trẻ nào trên xe. Nếu tài xế không bấm nút, chuông cảnh báo sẽ reo và không khóa được cửa xe. Xe cũng có thể sử dụng hệ thống lắp đặt các loại cảm biến 60 GHz (thân nhiệt, chuyển động, sóng âm) vào trần xe, dọc theo thân xe để có được tầm nhìn bao quát và đầy đủ nhất.

Khi có học sinh bị bỏ quên, lái xe sẽ không thể khóa cửa và kèm theo âm thanh cảnh báo hoặc lời nhắc đi kiểm tra lại bên trong xe. Xe chỉ khóa được cửa khi không còn người bên trong. Một hệ thống cảnh báo khác được dự thảo đề cập đến đó là thiết bị quét thông tin (nhận diện khuôn mặt, thẻ học sinh) khi học sinh lên và xuống xe. Lái xe hoặc người quản lý học sinh phải quét đầu đọc thẻ sau khi kiểm tra xong khu vực cửa xuống. Nếu có học sinh lên mà không xuống xe thì sẽ liên lạc trực tiếp ngay lập tức tới cha mẹ, hoặc lái xe, người quản lý học sinh thông qua tin nhắn để kiểm tra lại…

Theo ban soạn thảo, việc đề xuất cụ thể một số hệ thống cảnh báo có thể sử dụng cho xe đưa đón học sinh nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất, nhập khẩu xe thuận lợi trong lựa chọn. Đồng thời, những hệ thống này đã được nghiên cứu, thử nghiệm và sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Đặc biệt, dự thảo Quy chuẩn còn quy định số lượng học sinh chở trên xe theo từng lứa tuổi. Đối với xe chở học sinh mẫu giáo có số lượng học sinh không quá 45 người. Đối với xe chở học sinh tiểu học, trung học cơ sở số lượng học sinh không quá 56 người. Tại dự thảo trước đó đã quy định đối với bậc lên xuống của xe chở học sinh phải được lắp tay vịn ở cửa hành khách và không được có phần nhô ra hoặc gờ trên tay vịn có thể gây thương tích cho học sinh. Riêng xe xe buýt loại nhỏ 16 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái) có thể lắp đặt tay vịn ở cửa hành khách phải phù hợp với quy định như: Ở mỗi bên cửa lên xuống phải lắp tay vịn. Trong trường hợp cửa đôi thì có thể lắp cột trụ trung tâm hoặc tay vịn trung tâm.

Nhật Uyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/de-xuat-moi-ve-he-thong-canh-bao-ngan-bo-quen-tre-tren-xe-cho-hoc-sinh-i734179/