Đề xuất mới về Nghi lễ đối ngoại nhà nước

Bộ Ngoại giao đang dự thảo Nghị định mới về Nghi lễ đối ngoại nhà nước thay thế Nghị định số 145/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Lãnh đạo cấp cao nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Lãnh đạo cấp cao nước ngoài

Bộ Ngoại giao cho biết, sau thời gian thực hiện Nghị định 145/2013/NĐ-CP, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số hạn chế như: Nghị định chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nghi lễ dành cho danh nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước và thăm chính thức (đối với các đoàn Nguyên thủ quốc gia); chưa có quy định về các nghi lễ đối ngoại đặc biệt như huy động quần chúng đón sân bay, tại lễ đón chính thức, mời các Trưởng các cơ quan ngoại giao tham dự lễ đón chính thức, chiêu đãi cấp nhà nước/chiêu đãi chính thức…

Trong bối cảnh công cuộc hội nhập quốc tế nước ta ngày càng sâu rộng, các hoạt động đối ngoại của đất nước ngày càng đa dạng, việc xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về nghi lễ đối ngoại nhà nước là một yêu cầu cấp thiết.

Các nội dung mới của dự thảo Nghị định

Dự thảo bổ sung quy định về nguyên tắc và mức độ đài thọ cho các đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam (điều 23). Theo đó, việc đài thọ cho các đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam được thực hiện theo quy định của Việt Nam và trên cơ sở có đi có lại.

Cụ thể, đài thọ phòng ở: a) Đài thọ cho Nguyên thủ Quốc gia và Phu nhân/Phu quân thăm cấp nhà nước, thăm chính thức cùng 09 đoàn viên chính thức tại một khách sạn 5 sao trong thời gian tối đa 05 ngày 04 đêm (trong đó có 3 đêm ở Hà Nội);

b) Đài thọ cho Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân/Phu quân, Người đứng đầu Nghị viện và Phu nhân/Phu quân thăm chính thức cùng 5 đoàn viên chính thức tại một khách sạn 5 sao trong thời gian tối đa 05 ngày 04 đêm (trong đó có 03 đêm tại Hà Nội);

c) Đài thọ cho Phó Nguyên thủ Quốc gia và Phu nhân/Phu quân; cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân/ Phu quân, cấp Phó của Người đứng đầu Nghị viện và Phu nhân/Phu quân, Bộ trưởng Ngoại giao và Phu nhân/ Phu quân thăm chính thức và 02 đoàn viên trong thời gian tối đa 03 ngày 02 đêm.

e) Đài thọ cho Bộ trưởng và cấp tương đương/ Trưởng các cơ quan của Nghị viện thăm chính thức thực hiện theo đề án đón tiếp được duyệt.

Đài thọ xe cho các đoàn theo nguyên tắc sau: a) Xe nghi lễ nhà nước cho Nguyên thủ Quốc gia và Phu nhân/ Phu quân; Người đứng đầu Chính phủ và Phu nhân/ Phu quân trong các hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; Xe 04 chỗ các tại địa phương khác; b) Xe 04 chỗ cho Người đứng đầu Nghị viện; c) Xe 04 chỗ cho Phó Nguyên thủ Quốc gia, cấp Phó của Người đứng đầu Chính phủ, cấp Phó của Người đứng đầu Nghị viện; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao…

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao (điều 30) như sau:Bộ Ngoại giao chủ trì kiến nghị và dự thảo thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.

Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị, trình Tổng Bí thư duyệt điện mừng, thăm hỏi của Tổng Bí thư gửi Nguyên thủ một số nước, người đứng đầu một số Đảng đặc biệt quan trọng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

KL

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-moi-ve-nghi-le-doi-ngoai-nha-nuoc/406833.vgp