Đề xuất mới về quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
Theo Bộ Quốc phòng, qua 7 năm thực hiện Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (gọi tắt là Quy chế 02) có thể khẳng định Quy chế 02 là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết và nâng cao năng lực hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu; tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước phối hợp, hiệp đồng và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trong những năm qua.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Quy chế 02 còn một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:
Chức năng, nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan ngang bộ và một số địa phương chịu sự điều chỉnh theo Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nên một số quy định trong Quy chế không còn phù hợp.
Việc phân mức sự cố tràn dầu theo hướng nhỏ, trung bình đến lớn ứng với số lượng dầu tràn 20 tấn, trên 20 tấn đến 500 tấn và trên 500 tấn (để xây dựng kế hoạch và nguồn lực ứng phó) chưa phù hợp với thực tế; vì đối với sự cố dầu tràn do phun trào giếng khoan, đường ống dẫn dầu, do thiên tai, sự cố hàng hải và dầu tràn không rõ nguyên nhân dạt vào bờ biển rất khó xác định khối lượng dầu đã tràn ra môi trường do vậy việc đưa ra phương án ứng phó rất khó khăn.
Cơ chế huy động nguồn lực ứng phó trong quy chế còn bất cập nên công tác ứng phó một số cơ sở chưa kịp thời. Thực tế hiện nay nhiều cơ sở không xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, không có hợp đồng ứng phó với cơ sở có đủ năng lực hoặc có hợp đồng chỉ mang tính đối phó nên khi sự cố tràn dầu xảy ra đã không ứng phó kịp thời, gây ô nhiễm môi trường. Do đó cần có quy định cụ thể việc tổ chức ứng phó khẩn cấp đối với chủ cơ sở, chủ tàu trong việc ký hợp đồng với đơn vị đủ năng lực ứng phó, thời gian ứng phó và trách nhiệm thanh toán chi phí liên quan.
Quy chế 02 chưa quy định trách nhiệm của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương; phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng trong trường hợp tàu nước ngoài bị chìm trong vùng biển Việt Nam, chủ tàu bị nạn tổ chức đấu thầu quốc tế; chưa quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xây dựng quỹ ứng phó sự cố tràn dầu trên lãnh thổ Việt Nam, tham gia quỹ ứng phó sự cố tràn dầu quốc tế. Nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở và trách nhiệm của cơ quan chủ trì ứng phó sự cố tràn dầu trong việc huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện; cần sửa đổi, bổ sung theo phuơng châm 4 tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, vì khi sự cố tràn dầu xảy ra, để ngăn chặn kịp thời tác hại đến môi trường thì việc sử dụng 4 tại chỗ hiệu quả rất cao.
Xuất phát từ những lý do trên việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.