Đề xuất mới về thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc, nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế.
Cơ quan soạn thảo nhận định, việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cần đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh sống của người nộp thuế đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội, mức sống và thu nhập bình quân của người lao động. Theo đó, dự thảo luật đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Đáng chú ý, người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế các khoản chi cho y tế, giáo dục - đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định. Các khoản chi phải đáp ứng điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và không được chi trả từ các nguồn khác.

Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng.
Với năm 2026, Bộ Tài chính có dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, với 2 phương án. Phương án 1, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng (159,6 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án 2, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng (186 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng.
Về biểu thuế lũy tiến từng phần, tại dự thảo, Bộ Tài chính nhận định có thể nghiên cứu điều chỉnh theo hướng cắt giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống mức phù hợp hơn, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế, nhằm đảm bảo tính điều tiết hiệu quả hơn đối với nhóm có thu nhập cao. Việc tinh giản biểu thuế không chỉ góp phần đơn giản hóa thủ tục kê khai, nộp thuế mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế:
Phương án 1, thu nhập tính thuế được chia thành 5 bậc: Phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng áp dụng thuế suất 5%; thu nhập từ 10 đến 30 triệu đồng chịu thuế suất 15%; 30-50 triệu đồng là 25%; 50-80 triệu đồng ở mức 30%; trên 80 triệu đồng áp dụng thuế suất 35%.
Với phương án trên, cá nhân có thu nhập thuộc bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, phần lớn người thuộc bậc 1 sẽ được giảm thuế. Các cá nhân đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên đều được giảm trừ nghĩa vụ thuế so với hiện tại. Cụ thể, người có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng; 30 triệu đồng/tháng giảm 850.000 đồng; 40 triệu đồng/tháng giảm 750.000 đồng; 80 triệu đồng/tháng giảm 650.000 đồng.
Phương án 2, giữ nguyên 5 bậc thuế nhưng điều chỉnh lại khoảng cách thu nhập theo hướng nới rộng hơn ở các bậc cao. Cụ thể, thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5%; thu nhập 10 đến 30 triệu đồng áp thuế 15%; 30-60 triệu đồng áp mức 25%; 60-100 triệu đồng là 30%; và trên 100 triệu đồng chịu thuế suất 35%.
Ở phương án này, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương phương án 1. Tuy nhiên, với nhóm thu nhập cao hơn 50 triệu đồng/tháng, mức giảm thuế sẽ lớn hơn so với phương án 1. Do đó, tổng số thu ngân sách theo phương án này sẽ giảm nhiều hơn.