Đề xuất nam giới cũng được nghỉ thai sản 6 tháng: Người dân mừng, bảo hiểm xã hội lo
Việc nam giới được nghỉ khi vợ sinh không chỉ hướng đến bình đẳng giới mà còn nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của mỗi một cá nhân đối với gia đình.
Thời gian nghỉ thai sản giữa nam nữ bằng nhau
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban Phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới trong Luật BHXH (sửa đổi).
Theo hai đơn vị này, Luật BHXH hiện hành quy định nam giới được nghỉ chế độ thai sản 5-14 ngày tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cha và mẹ được hưởng thời gian nghỉ thai sản bình đẳng sau khi sinh con, đứa trẻ không chỉ phát triển tốt hơn mà còn bảo đảm bình đẳng giới trong xã hội, giúp giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính.
Theo EuroCham, mặc dù 6 tháng nghỉ thai sản dành cho phụ nữ ở Việt Nam là vô cùng cần thiết cho sức khỏe của mẹ và con nhưng khả năng nó lại là rào cản cho các ứng viên nữ so với các ứng viên nam. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể tìm cách giảm chi phí trả lương nghỉ thai sản bằng việc giảm cơ hội nghề nghiệp cũng như đưa ra mức lương khởi điểm thấp hơn cho ứng viên nữ khi tuyển dụng. Điều này có thể được cân bằng nếu tăng số ngày nghỉ thai sản đối với người cha tương đương với người mẹ.
Với những phân tích trên, EuroCham và WIB SC đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới trong Luật BHXH từ 5-14 ngày lên 6 tháng.
Xung quanh đề xuất trên, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay Quỹ thai sản có mức thu chi ngang nhau. Do vậy, nếu tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới mà không đi đôi với tăng tiền đóng vào quỹ thì chắc chắn không đảm bảo được khả năng cân đối nguồn quỹ trong ngắn hạn. Trong khi trường hợp tăng đóng vào quỹ sẽ không khả thi khi đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang có nhiều khó khăn.
Theo quy định hiện nay, lao động nam cũng có nhiều quyền lợi trong chính sách thai sản. Ngoài được nghỉ 5-14 ngày khi vợ sinh con, trong trường hợp đặc biệt như người vợ không đủ sức khỏe chăm sóc con thì lao động nam cũng được nghỉ và hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ sáu tháng tuổi.
Từng trải qua cảnh phải vào viện sinh con một mình, chị Cù Thanh Hương (Mỹ Đình, Hà Nội) cảm thấy tủi thân vô cùng. Chồng chị làm cán bộ dự án, phải đi công tác dài ngày thường xuyên theo yêu cầu công việc. Cả hai lần sinh con, chị đều phải vào viện một mình bởi chồng chị không thể thu xếp công việc. Trong suốt thời gian nghỉ sinh 6 tháng ở nhà, chị vật lộn với chăm sóc con. "Đó thực sự là những ngày nhọc nhằn mỏi mệt, khó diễn tả. Chồng vẫn phải đi làm, mình đành phải phiền đến bà nội, bà ngoại. Mà các bà có tuổi rồi, nhờ vả rất phiền phức. Nghe thông tin đề xuất chồng được nghỉ thai sản thời gian bằng vợ, chị Hương rất hồ hởi.
"Nếu việc nghỉ thai sản của người chồng được đưa vào luật thì chắc chắn các ông chồng như chồng mình không thể phó mặc mọi việc cho bà nội, bà ngoại được", chị Ngọc tâm sự.
Mặc dù không trông chờ nhiều ở ông chồng vụng về và chẳng biết làm gì, nhưng "có thêm người còn hơn không" là suy nghĩ chị Hoàng Ngọc Trang (Đội Cấn, Hà Nội). "Đợt sinh con đầu lòng, ông xã chả làm được gì cả, đến cứ than vãn công việc, vậy là mình đuổi đi làm. Nếu ông ấy được nghỉ thì sẽ trợ giúp mình rất tốt trong chăm con. Người sinh thường còn đỡ, chứ sinh mổ đau không thể đi lại được mà không có người nhà bên cạnh thì khó khăn vô cùng".
Trách nhiệm chăm con của bố mẹ là ngang nhau
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hồng Anh, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất này sẽ được nhiều người lao động ủng hộ. Việc nam giới được nghỉ khi vợ sinh không chỉ hướng đến bình đẳng giới mà còn nhấn mạnh đến yếu tố trách nhiệm của mỗi một cá nhân đối với gia đình. Tuy sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ nhưng chuyện con cái lại là trách nhiệm của cả cha và mẹ.
Người chồng toàn tâm bên người vợ trong thời gian vượt cạn và chăm con nhỏ sẽ hỗ trợ rất lớn cho người vợ về sức khỏe cũng như tâm lý. Phụ nữ trải qua cơn đau đẻ thường có cảm giác rất bất an, việc người chồng ở bên cạnh sẽ giúp họ vững tin hơn, có tác dụng tích cực. Thực tế ở rất nhiều bệnh viện trên thế giới và một số bệnh viện Việt Nam hiện nay đã có dịch vụ cho chồng ở bên cạnh lúc vợ lâm bồn. Sự có mặt của người chồng cũng là một liệu pháp giúp cho việc sinh nở của người vợ dễ dàng hơn.
Ở góc độ quản lý, nếu cho chồng được nghỉ thai sản bằng với vợ sẽ tạo ra gánh nặng khá lớn cho bảo hiểm xã hội, làm sao để cân đối khoản thu bù vào khoản chi này cũng là bài toán rất khó.
Tuy vậy theo ThS Lê Thị Hồng Anh, quy định là một chuyện nhưng quan trọng hơn vẫn là sự tự nguyện, tự giác của các ông chồng cũng như sự sắp xếp hợp lý công việc gia đình trong những ngày này. Việc chồng có mặt trong ngày sinh có ý nghĩa như thế nào còn tùy tâm tính người vợ, bởi có người muốn chồng ở bên cạnh, có người cần chồng đi làm để mang tiền về nuôi con...
"Dù thế nào vợ chồng cũng nên có sự giao tiếp và thống nhất với nhau trước khi sinh để phân công công việc. Thực tế, có nhiều sản phụ không nói gì, cứ âm thầm rồi so sánh chồng không được như người này người kia, sau đó dẫn đến trầm cảm là không nên. Việc người chồng hỗ trợ vợ trong chăm sóc và nuôi dạy con không chỉ là một vài ngày sau sinh, mà là cả một quãng thời gian rất dài sau này", ThS Thúy nói.
Theo Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH về BHXH bắt buộc, các lao động nam đóng BHXH đóng đủ từ 6 - 12 tháng trước khi vợ sinh sẽ đủ điều kiện để hưởng các chế độ thai sản cho nam giới khi có vợ sinh con, cụ thể như sau:
Nam giới sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc với trường hợp sinh thường một con và được nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi. Nam giới sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc đối với trường hợp sinh đôi và nếu sinh ba thì mỗi bé sẽ được cộng thêm 3 ngày làm việc và tối đa không quá 14 ngày.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 17,442 triệu người tham gia BHXH. Đối với BHXH bắt buộc thì có khoảng 15,978 triệu người tham gia và 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHTN có khoảng 14,270 triệu người.