Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu tạo các luồng dư luận trái chiều tại Trung Quốc
Nhằm đối phó với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, Trung Quốc dự định kéo dài độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Động thái này đang gây tranh cãi trong dân chúng.
Tờ Bloomberg đưa tin, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến sự điều chỉnh trên sau khi công bố bản dự thảo kế hoạch kinh tế 5 năm, trong đó có khuyến nghị “thực hiện trì hoãn tuổi nghỉ hưu”. Các biện pháp cụ thể trong kế hoạch sẽ được công bố vào tháng 3/2021.
Độ tuổi nghỉ hưu đối lao động trí óc tại Trung Quốc là 60 với nam giới và 55 với nữ giới đã không thay đổi trong hơn 4 thập kỷ qua, cho dù tuổi thọ của người dân đã tăng đáng kể. Tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), đa số đàn ông và phụ nữ có thể nghỉ hưu và nhận lương hưu vào năm 65 tuổi. Theo số liệu phân tích của hãng bảo hiểm Allianz SE tại 70 quốc gia, tuổi nghỉ hưu trung bình toàn cầu là 62,7 đối với nam giới và 61,3 đối với nữ giới.
Thông báo trên đã khiến người dân Trung Quốc cảm thấy bất bình, dấy lên làn sóng bình luận phản đối trên mạng xã hội Weibo. Chủ yếu phản hồi là của những người sắp nghỉ hưu, bày tỏ sự giận dữ khi phải kéo dài thời gian làm việc hay trì hoãn việc nhận lương hưu. Những người trẻ hơn lại tranh luận rằng việc gia tăng lao động lớn tuổi sẽ làm giảm cơ hội tuyển dụng của họ.
Các chuyên gia cho rằng việc nâng độ tuổi mà người lao động đủ điều kiện nhận lương hưu do nhà nước hỗ trợ là rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của hệ thống hưu trí. Trong báo cáo năm ngoái, Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – cơ quan cố vấn chiến lược cho chính phủ - ước tính quỹ hưu trí chính cho người lao động thành thị sẽ đạt 7.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương trên 1.000 tỷ USD) vào năm 2027, trước khi giảm bằng 0 vào năm 2035. Số dư năm 2019 là 4.300 tỷ Nhân dân tệ.
Nâng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ giúp Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế, bằng cách làm chậm tốc độ thu hẹp dân số trong độ tuổi lao động do tỷ lệ sinh giảm. Bắc Kinh ước tính số người dân từ 60 tuổi trở lên sẽ chạm mốc 487 triệu người năm 2050, tăng gần gấp đôi con số 254 triệu người năm ngoái.
Trung Quốc đã chứng kiến đợt bùng nổ tỷ lệ sinh vào đầu thập niên 1960. Kết quả, trên 200 triệu người sẽ 60 tuổi trong thập kỷ tới. Do vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn lựa chọn khác, ngoài việc tăng tuổi hưu trong kế hoạch 5 năm tới, bắt đầu từ năm 2021, theo nhận xét của ông Wang Feng – nhà nhân khẩu học tại Đại học California (Mỹ). “Một lượng lớn người dân sẽ 60 tuổi trong 5 năm tới. Nếu không hành động ngay, tình trạng trên sẽ gây gánh nặng tài chính khổng lồ”, ông Wang nói.
Phản ứng dữ dội của công chúng đã cản trở đề xuất tăng tuổi hưu trước đó tại Trung Quốc. Năm 2012, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc - cơ quan giám sát lương hưu - đưa ra khuyến nghị nâng tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn kế hoạch 5 năm hiện tại đến năm 2020, song không được triển khai.
Trong khi bộ trên chịu trách nhiệm xây dựng những đề xuất chi tiết để thực hiện, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là người ký ban hành cải cách về hưu. Theo ông Wang Feng, giới chức nhiều khả năng sẽ tiến hành cải cách dần dần nhằm giảm bớt sự bất bình của người dân, chẳng hạn như áp dụng hay đổi đối với một số ngành nghề hoặc vùng miền trước tiên.
Bà Wang Xinmei, một nhà kinh tế học về lương hưu tại Đại học Chiết Giang, đã đề xuất một số phương án khác. Bà nói: “Chúng ta có thể bắt đầu từ các bước dễ dàng trước, ví dụ cho phép những người có năng lực muốn làm việc nhiều hơn tự nguyện đăng ký làm việc nhiều năm hơn". Một cách khác là tăng dần dần, thêm 1 tuổi sau mỗi năm.