ĐỀ XUẤT NGHỈ GỘP 5 NGÀY DỊP LỄ 30-4 VÀ 1-5: Cần tính sớm hơn để không cập rập
Nghỉ dài ngày sẽ giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song phải đưa ra sớm hơn để doanh nghiệp du lịch kịp xoay trở, doanh nghiệp sản xuất chủ động hơn
Sau khi được 15 bộ, ngành đồng ý, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trình Thủ tướng ra quyết định về việc hoán đổi ngày làm và bù sang ngày khác để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (NLĐ) nghỉ 5 ngày lễ 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5-2024 (lễ 30-4 và ngày 1-5).
Góp phần kích cầu du lịch
Nêu lý do nghỉ 5 ngày liên tục, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết bộ này nhận được đề xuất về việc hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29-4) và làm bù sang ngày khác trong dịp lễ 30-4 và ngày 1-5.
Để có cơ sở đề xuất Thủ tướng, ngày 4-4, Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn gửi 15 bộ, ngành, cơ quan ngang bộ về đề xuất này.
Theo ông Thanh, các bộ, cơ quan có ý kiến tham gia đều nhất trí với phương án do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất và hầu hết đều cho rằng việc bố trí hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác vừa giúp bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ có dịp nghỉ lễ hài hòa, trọn vẹn vừa giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ. Qua lấy ý kiến NLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đa số NLĐ ủng hộ đề xuất.
Về căn cứ pháp lý, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho rằng theo quy định tại khoản 3 điều 112 Bộ Luật Lao động, hằng năm căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh.
Theo điểm b khoản 2 điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng: Chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB-XH báo cáo Thủ tướng phương án hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30-4 và ngày 1-5-2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và NLĐ thuộc khối doanh nghiệp (DN) không phải là công chức, viên chức.
Đối với NLĐ, khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30-4 và ngày 1-5 năm nay cho NLĐ như quy định đối với công chức, viên chức nhưng bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), khoản 1 điều 112 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định NLĐ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết, trong đó có ngày 30-4 và 1-5.
Khoản 3 điều 112 Bộ Luật Lao động năm 2019 chỉ giao Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết âm lịch và Quốc khánh.
Còn tại điểm b khoản 2 điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng: "Chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập". Vì vậy, trong trường hợp này, Bộ LĐ-TB-XH có thể báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định về việc hoán đổi ngày làm việc (không phải ngày nghỉ lễ) đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với NLĐ không thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì đề nghị theo hướng khuyến khích các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động hoán đổi ngày làm việc cho NLĐ theo phương án nêu trên (nếu có thể).
Trở tay không kịp
Vietnam Airlines cho biết sẽ bổ sung hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 15.000 chỗ ngồi nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân trong dịp lễ 30-4 và ngày 1-5 dự kiến kéo dài 5 ngày liên tục.
Việc tăng cường năng lực khai thác cho dịp cao điểm tới đây là nỗ lực của Vietnam Airlines trên cơ sở tối ưu hóa sử dụng đội máy bay hiện có và mở mới các chuyến bay vào khung giờ sáng sớm, tối muộn trên một số đường bay có nhu cầu lớn.
"Như vậy, hãng sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ ngày 26-4 đến 2-5, so với cùng kỳ năm ngoái thì tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%" - đại diện Vietnam Airlines nói.
Theo đó, các đường bay du lịch như giữa Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo… là những đường bay nội địa được tăng tải nhiều nhất.
Đối với mạng bay quốc tế, Vietnam Airlines tập trung các chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Nhiều chuyến bay đến các điểm du lịch vào dịp cao điểm đã đầy chỗ 70%.
Hiện ngành hàng không đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay. Nguyên nhân chính từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau dịch COVID-19 gây ra thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ máy bay bị kéo dài.
Các hãng hàng không cũng cho biết đang đứng trước thách thức chi phí đầu vào tăng cao. Giá nhiên liệu, chiếm tỉ trọng khoảng 30% tổng chi phí của hãng bay, ở mức cao trên 100 USD. Giá thuê máy bay, giá dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng cũng đều tăng mạnh...
Một số hãng hàng không cũng cho biết đang lên phương án tăng cường tần suất bay đêm nếu phương án nghỉ cộng gộp được thông qua.
Trong khi đó, chiều 12-4, một số DN du lịch cho biết dù kỳ nghỉ lễ kéo dài lên 5 ngày cũng không dễ tăng thêm dịch vụ để đón khách.
"Giá sản phẩm dịch vụ với các đối tác trong nước cũng phải được chốt tầm 1 tháng trước để họ lên kế hoạch, triển khai phương án dịch vụ. Từ đó, công ty du lịch mới đưa vào sản phẩm rồi bán tour cho khách. Tour đi bằng đường bộ có thể tăng cường nhưng tour đi bằng đường hàng không thì giá vé máy bay đang rất cao, không dễ cho du lịch nội địa xoay trở" - giám đốc một công ty du lịch ở TP HCM nói.
Trong khi du lịch nội địa khó thì du lịch quốc tế cũng không dễ mở bán thêm tour tuyến, lịch trình cho dịp này. Giám đốc một công ty du lịch chuyên khai thác thị trường khách Nhật Bản cho hay dịp lễ 30-4 và ngày 1-5 năm nay trùng với Tuần lễ vàng (Golden Week) của Nhật Bản, nên nhu cầu đi lại của khách Nhật và khách quốc tế tới điểm đến này rất đông.
"Với khách Việt, nhu cầu đi tour Nhật ngắm hoa anh đào cũng đang cao nên giờ phát sinh thêm dịch vụ với đoàn vài chục khách đã không dễ. Những kỳ nghỉ dài để kích cầu du lịch, thương mại là rất cần thiết nhưng kiến nghị nhà nước công bố lịch từ đầu năm và cố định hằng năm để DN có sự chuẩn bị" - giám đốc công ty du lịch này đề xuất.
Khó cho doanh nghiệp sản xuất gia công
Bà Phan Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM), cho rằng khó thực hiện nghỉ dài ngày với khối DN ngoài nhà nước. Vì sau nhiều khó khăn, DN mới tạm khôi phục, đơn hàng bắt đầu dồi dào trở lại trong năm 2024. Do vậy, thời điểm này DN phải bảo đảm kịp tiến độ đơn hàng, khó bố trí một kỳ nghỉ kéo dài 4-5 ngày.
Mặt khác, theo bà Thu, thời gian làm việc hằng tuần của khu vực công với khu vực DN chênh lệch 8 giờ. Với DN, thứ bảy là ngày làm việc bình thường, vì vậy nếu hoán đổi thì phải hoán đổi cả thứ bảy (27-4) và thứ hai (29-4) sang các ngày chủ nhật trong tháng. Điều này khiến NLĐ sẽ phải làm việc liên tục trong vài tuần sau kỳ nghỉ lễ mà không có ngày nghỉ nào, không bảo đảm sức khỏe cho họ.
Bà Thu cho rằng việc hoán đổi như đã nêu chỉ phù hợp với khu vực công, còn tại Công ty Vĩnh Phong sẽ cho NLĐ nghỉ liên tục 2 ngày 30-4 và 1-5, trong trường hợp bố trí được kế hoạch sản xuất và tập thể NLĐ có yêu cầu thì công ty sẽ bố trí hoán đổi ngày thứ hai (29-4) sang chủ nhật (28-4) để họ được nghỉ liên tục 3 ngày (từ 29-4 đến hết 1-5).
Đồng tình, bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH W.V (quận 12, TP HCM), cho rằng hầu như năm nào Bộ LĐ-TB-XH cũng có các đề xuất về việc hoán đổi ngày nghỉ lễ, Tết nhưng thực tế hầu như chỉ có tác động đến công chức, viên chức và NLĐ khu vực công. Điều này cũng được thể hiện trong tờ trình gửi Chính phủ lần này khi Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ đối với công chức, viên chức được hoán đổi ngày làm việc thứ hai (29-4) sang làm bù vào thứ bảy (4-5) để được nghỉ 5 ngày liên tục từ ngày 27-4.
Đối với NLĐ, Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng như quy định đối với công chức, viên chức. Tuy chỉ khuyến khích DN thực hiện nhưng khi có thông tin về đề xuất hoán đổi, tập thể NLĐ đã xôn xao và liên tục lên văn phòng thắc mắc gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất.
Theo bà Lĩnh, ở khối DN ngoài nhà nước chỉ nên quy định số ngày nghỉ tối thiểu vào các kỳ lễ, Tết, việc nghỉ thêm hay hoán đổi ngày nghỉ sẽ do DN thương lượng với NLĐ nhằm dung hòa lợi ích các bên. Đối với khu vực nhà nước thì quy định rõ cho phép hoán đổi và ngày làm việc bù sẽ là ngày nghỉ trước (hoặc sau) kỳ nghỉ.
Như vậy, các đơn vị và NLĐ sẽ biết lịch nghỉ sớm để chủ động sắp xếp, bố trí công việc, đồng thời cũng tránh tốn kém thời gian, phiền hà khi mỗi dịp lễ, Tết các bộ, ngành lại phải tổ chức lấy ý kiến về việc hoán đổi ngày nghỉ.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), ủng hộ chủ trương hoán đổi ngày nghỉ để NLĐ được nghỉ thêm ngày thứ hai (29-4). Nếu nghỉ thêm 1 ngày, NLĐ của công ty có 4 ngày liên tục (từ chủ nhật đến thứ tư) để về quê, thăm người thân, du lịch hoặc nghỉ ngơi.
"Nếu vừa nghỉ chủ nhật, chỉ làm thứ hai rồi tiếp tục nghỉ 2 ngày nữa, năng suất của NLĐ cũng không cao. Chưa kể, việc tắt mở máy liên tục cũng bất tiện cho DN vì hiện tại máy công ty chạy 24/24 giờ. Sau khi khởi động phải có khoảng thời gian 2-3 giờ, máy mới chạy ổn định" - bà Linh cho hay. Ngày hoán đổi sẽ được DN tính vào ngày nghỉ phép năm của NLĐ.
Thủ tướng đồng ý nghỉ 5 ngày dịp lễ 30-4 và 1-5
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12-4 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5 năm 2024. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng và ngày Quốc tế Lao động. Thủ tướng ủy quyền bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH thông báo về việc hoán đổi và lịch nghỉ lễ tới các cơ quan, đơn vị, DN và NLĐ.
Theo văn bản đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng và ngày Quốc tế Lao động năm 2024, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ bảy (ngày 27-4) đến hết thứ tư (1-5) và đi làm bù vào ngày thứ bảy (4-5).
Đối với NLĐ tại DN, Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 5 ngày liên tục như quy định đối với công chức, viên chức và phải thực hiện đầy đủ các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ.
Hoàn toàn có thể linh động
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho biết kế hoạch nhà trường, kế hoạch ôn tập, thi cử đã được sắp xếp từ đầu năm học. Việc hoán đổi ngày nghỉ chỉ nên áp dụng cho những đơn vị không làm việc trong ngày thứ bảy thì mới tính được ngày bù lại. Còn ở khối trường học, đa số trường (trừ mầm non) đều dạy ngày thứ bảy, nếu nghỉ để tìm ngày dạy bù thì không có ngày nào. Năm nay lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh khá dài, nếu kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cũng kéo dài thì sẽ ảnh hưởng kế hoạch học tập của học sinh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức TP HCM), cho biết theo kế hoạch ban đầu, trường cho học sinh kiểm tra học kỳ II vào ngày thứ hai đầu tuần, trong trường hợp nghỉ lễ thì sẽ dời lịch lại. Ngày thứ bảy trường vẫn dạy học nhưng là chương trình của nhà trường nên không ảnh hưởng gì đến kế hoạch năm học và học sinh, hoàn toàn có thể linh động, học sinh thích thì tham gia và ngược lại.
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cũng cho biết việc nghỉ 5 ngày liên tục cũng là dịp để học sinh ôn tập nhằm kiểm tra học kỳ II. Ông Võ Thanh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức (TP Thủ Đức), cho biết nhà trường chủ động sắp xếp được vì thời lượng năm học chủ động được, chỉ đổi lịch học ngày thứ hai (29-4) là việc đơn giản với nhà trường.
Đ.Trinh