Đề xuất nghiên cứu trọng tài thương mại được phong tỏa tài sản
PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ cho rằng cần nghiên cứu tăng số lượng và mức độ hiệu quả của các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong hoạt động trọng tài thương mại.
Sáng ngày 25/8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là Dự thảo hồ sơ).
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ - Chuyên gia pháp luật cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại (TTTM) hiện nay mới chỉ đang ở mức tiếp cận xây dựng, giai đoạn nghiên cứu đề xuất chính sách. Do vậy, các nội dung trong Dự thảo hồ sơ cũng mới chỉ dừng ở mức thủ tục.
Về nội dung cụ thể của Dự thảo hồ sơ, chuyên gia này cho rằng hiện nay có một số vấn đề liên quan đến sự chưa rõ ràng về thẩm quyền của TTTM.
Theo đó, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam, Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định là Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
Theo ông Sỹ, với quy định trên, ý đồ của nhà lập pháp có lẽ chỉ là phân định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với tòa án nước ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài, không bao hàm phân biệt với thẩm quyền của TTTM Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu hiểu rằng, quy định này là phân định thầm quyền của Tòa án với cả TTTM Việt Nam thì sẽ đuối về cơ sở khoa học và thực tiễn. Do đó, ông Sỹ cho rằng đây là một quy định thiếu rõ ràng, gây cách hiểu không thống nhất và thực tế cũng đã có những cách xử lý khác nhau.
Để giải quyết vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, nếu thống nhất quan điểm là quy định tại Điều 470 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 chỉ phân định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với tòa án nước ngoài, cơ quan tài phán nước ngoài, không bao hàm phân biệt với thẩm quyền của TTTM Việt Nam thì việc sửa đổi Luật TTTM cần quy định rõ về thẩm quyền này của TTTM. Đồng thời kiến nghị sửa ngay Điều 470 Bộ Luật tố tụng dân sự tại Luật TTTM.
Phương án 2, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, để làm rõ quan điểm chính sách trong vấn đề nói trên.
Đặc biệt, chuyên gia này cũng cho rằng việc luật chuyên ngành không có quy định nhắc tới phương thức giải quyết trọng tài có thể gây hiểu nhầm là chỉ được sử dụng Tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh từ lĩnh vực chuyên ngành đó.
“Trong thực tiễn có những vụ việc tranh chấp về lao động, môi trường…nếu các bên thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp thì có thuộc thẩm quyền của TTTM không?”, ông Sỹ đặt câu hỏi.
Để xử lý vấn đề này, chuyên gia này cho rằng sửa đổi Luật TTTM lần này cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm hoạt động thương mại.
Mặc dù, khái niệm hoạt động thương mại đã được giải thích trong Luật Thương mại 2005, tuy nhiên nếu khái niệm này chưa ổn thì Luật TTTM có thể nghiên cứu, đưa ra một khái niệm mới, làm cơ sở cho việc xác định rõ hơn thẩm quyền của TTTM.
Cần tăng tính hiệu quả của biện pháp khẩn cấp tạm thời
Liên quan đến quy định tại Điều 49 Luật TTTM hiện hành về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Sỹ cho rằng là chưa hợp lý.
Theo đó, muốn yêu cầu Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các bên phải chờ cho đến khi Hội đồng Trọng tài được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay khi gửi đơn kiện đến Trung tâm trọng tài hoặc trước thời điểm Hội đồng Trọng tài được thành lập. Và vì vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập nhiều khi không còn ý nghĩa.
Do đó, để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động trọng tài, chuyên gia này đồng tình với đề xuất bổ sung quy định về cơ chế trọng tài viên khẩn cấp (emergency arbitrator). Việc chỉ định trọng tài viên có thể được thực hiện ngay khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trọng tài viên khẩn cấp chỉ có vai trò ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không giải quyết vụ tranh chấp. Việc giải quyết vụ tranh chấp sẽ do Hội đồng Trọng tài được các bên thành lập thực hiện.
Bên cạnh đó, về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 49 Luật TTTM chỉ quy định 6 biện pháp, trong đó các biện pháp mạnh mẽ nhất cũng chỉ là kê biên hoặc cấm chuyển dịch quyền về tài sản chỉ đối với tài sản đang tranh chấp.
Theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, so với 17 biện pháp của Tòa án trong tố tụng dân sự, thì các biện pháp này có thể nói là kém mạnh mẽ và từ đó cũng kém hiệu quả hơn nhiều. Cũng có biện pháp được quy định ở Luật TTTM nhưng không được quy định ở Bộ luật TTDS đó là biện pháp “Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp”.
"Tôi cho rằng biện pháp này chưa đủ mạnh so với các biện pháp được quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự như: phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ", ông Sỹ nêu quan điểm.
Để tăng cường hiệu quả của TTTM, ông Sỹ đề nghị nên nghiên cứu, cân nhắc bổ sung thẩm quyền cho TTTM được áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản khi có yêu cầu của đương sự như quy định đối với thẩm quyền của Tòa án tại Bộ Luật tố tụng dân sự.