Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai năm 2025

Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai vừa có thông báo đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh về đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai kế hoạch KH-CN và đổi mới sáng tạo năm 2025.

Theo đó, việc đăng ký, đề xuất tập trung vào các nhóm nhiệm vụ KH-CN thuộc các chương trình, kế hoạch như: Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng năm; chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”; kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng đề xuất phải có tính mới về KH-CN, có tính khả thi cao nhằm giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm có tính đặc thù xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống của tỉnh. Đồng thời, kết quả nhiệm vụ có khả năng ứng dụng trong thực tế cho các ngành, địa phương và đơn vị của tỉnh sử dụng khi nhiệm vụ KH-CN hoàn thành.

Các nhiệm vụ cần tập trung vào giải pháp dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Các nhiệm vụ cần tập trung vào giải pháp dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Mai Ka

Về định hướng nội dung đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai năm 2025 bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH-CN. Các nhiệm vụ của chương trình được thực hiện theo các lĩnh vực: khoa học nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y-dược, khoa học xã hội và nhân văn.

Các nhiệm vụ khi đăng ký, đề xuất cần bám sát những căn cứ chủ yếu nêu trên đồng thời hướng các nhiệm vụ vào một số vấn đề chính như: Nghiên cứu, phục tráng, làm chủ công nghệ chọn, tạo, sản xuất và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, ưu tiên giống chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với các điều kiện bất thuận; xây dựng thương hiệu, tạo vị thế cho nông sản của tỉnh Gia Lai.

Ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng các mô hình sản xuất nông-lâm nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương; sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản theo tiêu chuẩn chứng nhận (tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP,…) để phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen.

Triển khai, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Lưu giữ, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí. Nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong việc theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng, cảnh báo sớm cháy rừng, quản lý hoạt động khí tượng thủy văn.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại dược liệu trong vùng đồng bào dân tộc; phát triển ngành dược liệu, sản xuất sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc. Nghiên cứu, ứng dụng trong việc khai thác, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử gắn với phong tục tập quán và tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh…

Các nhiệm vụ phải có khả năng ứng dụng trong thực tế cho ngành, địa phương và đơn vị của tỉnh. Ảnh: Mai Ka

Các nhiệm vụ phải có khả năng ứng dụng trong thực tế cho ngành, địa phương và đơn vị của tỉnh. Ảnh: Mai Ka

Về chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, cần hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị.

Hỗ trợ xác lập sáng chế, giải pháp hữu ích; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc thù, có lợi thế của tỉnh và các sản phẩm OCOP chưa được bảo hộ; hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển đối với các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể…

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tập trung nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng mới, tiên tiến để áp dụng cho các doanh nghiệp; tập trung vào các giải pháp dựa trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Nghiên cứu cải tiến, đổi mới công nghệ; nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm mới có thể tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp…

Thời gian gửi phiếu đề xuất nhiệm vụ trước ngày 10-4-2024. Chi tiết các file mẫu đề xuất được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở KH-CN tỉnh Gia Lai (http://skhcn.gialai.gov.vn) hoặc liên hệ Sở KH-CN tỉnh Gia Lai (thông qua Phòng Quản lý Khoa học) theo số điện thoại: 0269.3830166.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-xuat-nhiem-vu-khoa-hoc-va-cong-nghe-tinh-gia-lai-nam-2025-post268397.html