Đề xuất nội dung bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Thiết thực, hợp lý và nhân văn

Từ đề xuất của Bộ LĐ-TBXH, nhiều chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sát sườn với đời sống thực tế vừa được Chính phủ thống nhất thông qua. Đây là những chính sách được đề xuất theo hướng tăng thêm quyền lợi, tăng tính hấp dẫn và thu hút người dân tham gia BHXH.

Nếu được Quốc hội thông qua, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản. Trong ảnh: Sản phụ chờ sinh tại một bệnh viện tư nhân ở TP.Biên Hòa

Nếu được Quốc hội thông qua, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng chế độ thai sản. Trong ảnh: Sản phụ chờ sinh tại một bệnh viện tư nhân ở TP.Biên Hòa

Mặc dù còn chờ Quốc hội thông qua, nhưng nhiều người dân đã tỏ ra rất phấn khởi về những nội dung đề xuất trên bởi tính thiết thực, hợp lý và hết sức nhân văn.

* Kịp thời, hợp thực tiễn

Chính sách hiện hành quy định, công dân Việt Nam không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác, phải từ đủ 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội. Nhưng nay đã được Chính phủ thống nhất đề xuất của Bộ LĐ-TBXH hạ xuống chỉ từ đủ 75 tuổi, không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Bộ LĐ-TBXH đề xuất, nếu người lao động (NLĐ) tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy vào thời gian đóng, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ. Đồng thời, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Tại Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28-7-2023 phiên họp Chính phủ tháng 7-2023 về dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật BHXH gồm 5 nhóm chính sách với 18 nội dung được chi tiết hóa. Trong đó nhiều điểm nổi bật, được người dân quan tâm như: giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…

Một nội dung đề xuất khác cũng được rất nhiều người dân quan tâm, đó là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Đề xuất này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc không liên tục, có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.

Với chính sách thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, theo quy định hiện hành thì người tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chính sách thai sản. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ LĐ-TBXH, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chính sách thai sản. Chế độ này do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Một vấn đề tuy không phải của số đông, nhưng cũng tạo ra sự công bằng, đó là đề xuất cho những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc được hưởng đầy đủ các chế độ như người tham gia BHXH bắt buộc, chứ không phải chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Riêng về vấn đề rút BHXH một lần, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa ra 2 phương án: thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành: NLĐ được rút BHXH 1 lần sau 12 tháng, người không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Thứ hai, đề xuất NLĐ chỉ được rút 50%, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

* Người lao động phấn khởi

Có thể thấy rằng, việc Chính phủ đã thống nhất với nội dung đề xuất của Bộ LĐ-TBXH về dự án Luật BHXH sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện để báo cáo với Quốc hội lần này rất có ý nghĩa. Bởi chính sách BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để giữ chân người tham gia BHXH.

Qua thông tin từ các cơ quan báo chí, nhiều NLĐ nắm được tinh thần của những đề xuất trên đã rất phấn khởi, bởi việc sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng tăng thêm quyền lợi, tính hấp dẫn, tăng sự thuận lợi cho NLĐ, đồng thời cũng là để bảo đảm hệ thống an sinh xã hội của gia đình, của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Loan, nhân viên bếp ăn một trường mẫu giáo trên địa bàn P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, tháng 6-2024 bà về hưu, nhưng thời gian tham gia BHXH chỉ được 15 năm 3 tháng. Theo quy định hiện hành, bà sẽ không được hưởng lương hưu nếu không tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm đóng BHXH. Tuy nhiên, nếu giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm thì bà đủ điều kiện nhận lương hưu.

“Tôi rất mong chờ quy định mới này. Vì nếu Luật BHXH năm 2014 được sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngay thời điểm tôi về hưu thì tôi có thể nhận lương hưu ngay mà không cần phải đóng BHXH tự nguyện gần 60 tháng nữa” - bà Loan chia sẻ.

Là Tổ trưởng tổ dân phố nhiều năm, ông Nguyễn Văn Nam (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) rất vui cho biết: “Nếu Luật BHXH năm 2014 được sửa đổi, bổ sung, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn như tôi tham gia BHXH sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ như người tham gia BHXH bắt buộc, chứ không chỉ có mỗi chính sách hưu trí và tử tuất như hiện nay. Điều này mới thật sự là công bằng, hợp thực tế và nhân văn”.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, nhiều năm qua, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế của Việt Nam luôn được tiếp tục hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân nói chung và NLĐ nói riêng.

“Nếu được Quốc hội thông qua, những sửa đổi, bổ sung này sẽ làm tăng quyền lợi của người tham gia BHXH, điều đó sẽ thu hút người dân tham gia BHXH nhiều hơn; NLĐ thêm gắn bó, ở lại với hệ thống BHXH lâu hơn và sẽ được hưởng lương hưu, an yên tuổi già” - ông Thành chia sẻ.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202308/de-xuat-noi-dung-bo-sung-sua-doi-luat-bao-hiem-xa-hoi-thiet-thuc-hop-ly-va-nhan-van-3173564/