Đề xuất phải có giấy phép lái xe dưới 50cc: Thi sát hạch bài bản là cần thiết

Đề xuất người đi xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe (GPLX) trong 2 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đang tiếp tục thu hút được sự chú ý của dư luận và giới chuyên gia. TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã chia sẻ quan điểm với Kinh tế & Đô thị về đề xuất này.

Ông đánh giá thế nào về đề xuất lái xe dưới 50cc phải có GPLX mà Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT của Bộ Công an đưa ra?

- Theo tôi biết, cả Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm TTATGT đều đề xuất nhóm lái xe dưới 50cc phải có GPLX. Đây là điều rất cần thiết. Số liệu thống kê trong một số nghiên cứu độc lập cho thấy, có tới 80 - 90% TNGT nghiêm trọng liên quan tới trẻ em là rơi vào nhóm tự đi. Lý do là các em điều khiển phương tiện trong điều kiện giao thông phức tạp như người lớn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bởi vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng cơ bản cho các em, thông qua cấp GPLX, để các em có thể đi lại an toàn là rất đúng đắn và cần thiết.

 Phần lớn học sinh đi xe máy khi chưa có đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện. Ảnh: Hoàng Hiệp

Phần lớn học sinh đi xe máy khi chưa có đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện. Ảnh: Hoàng Hiệp

Ngoài xe máy dưới 50cc, lượng xe máy điện hiện nay cũng rất phổ biến ngoài đường. Xét về công suất và tốc độ cũng không thua kém xe máy dưới 50cc. Vậy theo ông, có nên quy định điều khiển xe máy điện cũng phải có GPLX hay ko?

- Hiện nay TNGT với xe đạp điện, xe máy điện đang diễn biến phức tạp, thiết kế công suất động cơ bị can thiệp dẫn tới xe có thể vận hành ở tốc độ khá cao, tiềm ẩn rủi ro như xe cơ giới. Đã có nhiều vụ TNGT với trẻ em rất thương tâm, diễn ra với loại phương tiện này. Bởi vậy, nhóm này cũng cần phải siết chặt quản lý tương tự như xe máy có dung tích dưới 50cc.

Có ý kiến cho rằng, việc triển khai đào tạo và sát hạch lái xe đối với xe dưới 50cc cần được tính toán kỹ. Nhất là về các vấn đề như cơ sở hạ tầng, lộ trình, mô hình đào tạo, học phí... bởi phần lớn đối tượng tham gia học bằng lái này là học sinh cấp 3 và sinh viên năm nhất. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, đây là việc làm mang tính nhân văn, phúc lợi xã hội, chăm lo cho thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Vì thế chỉ nên tính ở mức chi phí thấp nhất, thậm chí miễn phí. Đương nhiên chương trình cho trẻ em thì nên ít hơn người lớn nhưng khi sát hạch thì cũng phải nghiêm và khó tương đương với người trưởng thành. Có như vậy khi các cháu đi trên đường mới có thể an toàn.

Có chuyên gia hiến kế, thay vì bắt buộc học sinh phải đi học lấy bằng lái để điều khiển xe máy dưới 50cc, có thể tính đến việc đưa luật giao thông (kiến thức về luật cũng như kỹ năng điều khiển phương tiện dưới 50cc) vào làm môn học điều kiện bắt buộc trong nhà trường, hiệu quả sẽ cao hơn. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

- Đây là ý tưởng rất đúng đắn và đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu chuẩn bị triển khai trong Nghị quyết 12. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giảng dạy ở nhà trường dù tốt đến mấy thì phần kỹ năng, trải nghiệm thực tế của các em cũng còn khá hạn chế. Do đó, phải thông qua quá trình đào tạo và đặc biệt là sát hạch bài bản, để bảo đảm các em có đủ kiến thức và kỹ năng trước khi độc lập tham gia giao thông trên đường.

Xin cảm ơn ông!

Quý Nguyễn (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/de-xuat-phai-co-giay-phep-lai-xe-duoi-50cc-thi-sat-hach-bai-ban-la-can-thiet-385490.html