Đề xuất phạt đến 50 triệu đồng nếu không làm tường, vách, cửa ngăn cháy

Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư, xây dựng…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Theo Ban soạn thảo, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định số 144 cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

ĐẢM BẢO TÍNH ĐỒNG BỘ CỦA HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Tuy nhiên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, như: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Căn cước năm 2023… .

Theo đó, nhiều hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Một số hành vi chưa được quy định trong Nghị định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Nhiều hành vi vi phạm mức phạt tiền còn thấp, chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG NHIỀU LĨNH VỰC

Dự thảo bổ sung xử phạt đối với các hành vi về cấp, quản lý, sử dụng thẻ Căn cước cho phù hợp với quy định mới tại Luật Căn cước năm 2023; các hành vi vi phạm về cấp, quản lý định danh và xác thực điện tử, sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử…

Đồng thời bãi bỏ quy định xử phạt đối với các hành vi liên quan đến việc xuất trình và sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho phù hợp với quy định tại Luật Cư trú và các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc xuất trình các giấy tờ liên quan đến cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính; các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng đồ chơi nguy hiểm bị cấm; hành vi “Cơ sở lưu trú cho người nước ngoài tạm trú qua đêm nhưng không khai báo tạm trú hoặc không cập nhật thông tin khai báo tạm trú theo quy định; người nước ngoài không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm i khoản 3 Điều 18 vì đã được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9.

Đối với vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ (Mục 3 Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), dự thảo Nghị định bổ sung xử phạt đối với các hành vi như:

- Không gửi báo cáo khi có thay đổi các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

- Không thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung đối với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;

- Không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ khi có sự thay đổi, cải tạo so với hiện trạng ban đầu;

- Không lắp đặt phương tiện chiếu sáng tại các vị trí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, chữa cháy; Không duy trì các điều kiện của lối vào từ trên cao để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Làm mất tác dụng của lối vào từ trên cao phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

- Không ban hành quy chế hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở... cho phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…

Dự thảo nâng mức phạt tiền với các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư, xây dựng… với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.

Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không làm hoặc không duy trì tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy và các giải pháp ngăn cháy theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình (Mục 4 Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) như bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên gia đình; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực; Cô lập, giam cầm thành viên gia đình; Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi.

Sửa đổi các hành vi vi phạm quy định tại: khoản 1 Điều 52 (Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình); điểm b khoản 1 Điều 53 (Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình); điểm a khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 55 (Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý)…

Nguyệt Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-phat-den-50-trieu-dong-neu-khong-lam-tuong-vach-cua-ngan-chay.htm