Đề xuất phạt nặng các hành vi vi phạm phòng cháy chữa cháy

Bộ Công an đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, Bộ Công an cho rằng, việc xử phạt đối với với các hành vi vi phạm liên quan đến trang bị hệ thống truyền tin báo sự cố và cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy và chữa cháy chưa phù hợp trong thực tiễn do hiện nay Bộ Công an chưa được trang bị hệ thống này để các cơ sở kết nối theo quy định.

Do đó, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt trên cơ sở quy định mới của Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo… và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hình minh họa

Hình minh họa

Theo đó Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ (Mục 3 Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP). Cụ thể:

Bổ sung xử phạt đối với các hành vi: Không gửi báo cáo khi có thay đổi các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật; không thực hiện các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung đối với hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; không bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ khi có sự thay đổi, cải tạo so với hiện trạng ban đầu; không lắp đặt phương tiện chiếu sáng tại các vị trí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng thiết bị thuộc hệ thống báo cháy, chữa cháy; không duy trì các điều kiện của lối vào từ trên cao để phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; làm mất tác dụng của lối vào từ trên cao phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; không ban hành quy chế hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở,... cho phù hợp với Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản hướng dẫn thi hành và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Sửa đổi các hành vi vi phạm quy định tại: khoản 1, điểm e khoản 2 Điều 30 (Vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); khoản 4 Điều 32 (Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ); khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 38 (Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng); điểm b khoản 4 Điều 40; khoản 1, điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 41 (Vi phạm quy định về phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ); điểm b và điểm d khoản 2 Điều 46 (Vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ); b khoản 3 Điều 48 (Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy).

Về mức xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả: Nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại: khoản 1, khoản 2 Điều 29 (Vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến và thực hiện nọi quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); khoản 1 Điều 30 (Vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); khoản 1 Điều 31 (Vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); khoản 2 Điều 35 (Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử); khoản 1 Điều 37 (Vi phạm quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, kiểm tra, bảo trì hệ thống chống sét); khoản 1 Điều 38 (Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng); khoản 1 Điều 39 (Vi phạm quy định về khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy và ngăn cháy); khoản 1 Điều 41 (Vi phạm quy định về phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ); khoản 1, khoản 2 Điều 44 (Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy); khoản 1, khoản 2 Điều 45 (Vi phạm quy định về công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ); khoản 1 Điều 46 (Vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ).

Giảm mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 49 (Vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc).

Bổ sung quy định, các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng nguy hiểm về cháy nổ là hóa chất được xử lý, xử phạt theo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bổ sung quy định người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại một số khoản của Điều 32 thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Cúc

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-xuat-phat-nang-cac-hanh-vi-vi-pham-phong-chay-chua-chay-438939.html