Hà Nội quản lý chặt kênh bán hàng online
Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua và rất sôi động. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Tuy nhiên, hoạt động bán hàng trên môi trường điện tử livestream đang có nhiều tình huống khó lường, việc quản lý hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn…
Bán hàng livestream doanh số khủng
Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như: khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm...
Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các DN phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như: thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm, đồ gia dụng…
Chị Hoàng Thị Lan, chủ shop quần áo tại quận Thanh Xuân chia sẻ: “Việc bán hàng truyền thống phải thuê của hàng đắt đỏ và nhiều chi phí đi kèm nên tôi đã thuê một căn hộ tập thể của chung cư cũ để làm nơi livestream bán hàng trực tuyến. Việc bán hàng trực tuyến lúc đầu cũng khó khăn, nhưng sau đó, tôi nhận ra, cách bán hàng này mang lại lợi nhuận cao, chi phí thấp”.
Gần đây, cơn sốt doanh thu của các phiên livestream trở thành chủ đề được bàn tán rôm rả. Trong giới bán hàng online, D.L khiến nhiều người trầm trồ khi có phiên livestream đạt doanh thu 30 tỷ đồng. Vào tháng trước, vợ chồng Q.L.D. gây chú ý khi công bố đạt doanh số 100 tỷ đồng sau 17 tiếng liên tục livestream.
Việc này đang làm chấn động thị trường, nhưng cũng làm các cơ quan chức năng phải cần sửa đổi một số điều luật để môi trường kinh doanh này được hoạt động một cách minh bạch, đúng pháp luật.
Chủ sàn nộp thuế thay cho cá nhân
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 245 vụ việc có vi phạm thương mại điện tử, tổng số tiền phạt hành chính gần 3,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đã kiểm tra, xử lý 259 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử (từ dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử phát hiện các hành vi vi phạm khác) với số tiền phạt hành chính hơn 4,5 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết: “Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Nơi cất giấu hàng tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm nơi ở. Một khó khăn rất lớn hiện nay là các giao dịch, thanh toán đều là "ảo", không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, dễ dàng xóa bỏ thông tin, dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm... và mức phạt hiện quá nhẹ so với lợi nhuận thu được. Một số website, chủ tài khoản bán hàng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ tài khoản, thu hồi tên miền, nên vẫn tiếp tục hoạt động”.
Các phòng, đội quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý như: Sở Công Thương; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05); Công an thành phố, quận, huyện, thị xã… để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DN, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng vi phạm.
Để chống thất thoát thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cũng cho biết: “Tổng cục Thuế mới đây đã ban hành Công điện số 01 yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế, kiểm tra toàn diện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động livestream bán hàng. Công điện số 01 giúp cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động bán hàng trực tuyến và nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch thương mại qua livestream, hướng đến đảm bảo công bằng trong kinh doanh”.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, thời gian qua, có những người chưa phân biệt được các phiên bán hàng ở các sàn thương mại điện tử chính thống với các phiên diễn ra ở những nền tảng phi sàn (giao dịch không được ghi lại đầy đủ, không ràng buộc rõ trách nhiệm người bán với người mua, không có bên trung gian để bảo đảm). Theo đó, về nguyên tắc khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Khi tham gia kinh doanh, mọi người đều có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Bộ Tài chính, để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Để áp dụng hóa đơn điện tử với cá nhân kinh doanh bán hàng online, livestream, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng: “Cần phải sửa luật. Trong đó làm rõ địa vị pháp lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.Đã kinh doanh phải có nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên muốn xuất hóa đơn phải có cơ sở, xác định địa vị pháp lý. Chỉ khi xác định được địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới có thể làm căn cứ để xây dựng các quy định khác có liên quan, trong đó có thuế”.