Đề xuất 'phương án cuối cùng' xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam trước 15/4/2023
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương yêu cầu cơ quan liên quan đề xuất 'phương án cuối cùng' xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam trước ngày 15/4/2023. (CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương yêu cầu cơ quan liên quan đề xuất 'phương án cuối cùng' xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam trước ngày 15/4/2023.
Theo đó, ngày 26/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã khảo sát hiện trường và làm việc với Bộ Công Thương, Tổng Công ty giấy, UBND tỉnh Long An và các bộ ngành, cơ quan liên quan về phương án xử lý Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
"Bơm thêm tiền" cải tạo công năng sản xuất bột gấy từ cây đay sang các nguyên liệu khác cũng không khả thi
Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty Giấy Việt Nam khẳng định, về mặt kỹ thuật, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam là không thể khắc phục được vì dây chuyền sản xuất bột giấy từ cây đay là "đặc thù". Trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Công nghệ này từ phòng "thí nghiệm đi thẳng ra thực tế", không phù hợp nên không hoạt động được.
Vậy có thể chuyển nguyên liệu sản xuất bột giấy từ đay sang gỗ được không? Trả lời câu hỏi này, Tổng công ty Giấy Việt Nam cho rằng, về kỹ thuật là "có", nhưng cần bổ sung thêm vốn khoảng 1000 tỷ để cải tạo công năng sản xuất bột giấy từ cây keo và bạch đàn. Tuy nhiên sản phẩm giấy hóa nhiệt cơ, chủ yếu được sử dụng để in báo (nhu cầu thị trường thấp), thời gian bảo quản không dài nên cũng khó xuất khẩu… Do vậy, phương án "bơm thêm tiền" cải tạo công năng sản xuất bột gấy từ cây đay sang các nguyên liệu khác cũng không khả thi.
Bên cạnh đó, về mặt môi trường, dự án này nằm ngay ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, dòng chảy không lớn, nên nguồn nước thải ra khó thoát được nhanh, dễ tạo ra nguy cơ ô nhiễm cho tỉnh Long An và các địa phương trong khu vực nên không nên tiếp tục dự án.
Cũng theo đại diện Tổng Công ty Giấy Việt Nam nêu rõ: Do tính "đặc thù" của dây truyền này nên khó thanh lý. Vì vậy, nên tổ chức định giá và bán đấu giá theo từng cụm thiết bị, hoặc "nước cùng" thì cho thanh lý.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dự án không triển khai được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Phương án đề xuất của Bộ Công Thương phải cần làm rõ các khoản nợ và giải pháp xử lý nợ; xử lý tài sản trên đất và các vấn đề liên quan tới đất đai.
Tổng Công ty Giấy Việt Nam phải xây dựng phương án thanh lý tài sản, trong đó có các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan. Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định chấm dứt dự án. Về phía địa phương, cần điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh mục đích sử dụng đất,…
Về phía địa phương, UBND tỉnh Long An đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chấm dứt dự án để xử lý theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, chủ nợ và địa phương "ngồi với nhau, nhìn thẳng vào thực tế" để thống nhất tiếng nói chung xử lý dự án. Từ thực tiễn dự án và địa phương, tỉnh Long An để nghị chuyển đổi dự án thành khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.
Thống nhất dừng thực hiện dự án
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Do các phương án của Bộ Công Thương đề xuất chưa rõ nên thời gian qua, việc xử lý "vẫn loay hoay, không dứt điểm được".
Ông yêu cầu Bộ Công Thương, trong các phương án đề xuất phải làm rõ các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, phân định rõ giữa tài sản và đất, các vấn đề liên quan đến pháp lý,… đồng thời phải căn cứ vào thực tế để đề xuất phương án cuối cùng cho Ban Chỉ đạo.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất dừng thực hiện dự án. Để có phương án hiệu quả, đúng pháp luật, xử lý dứt điểm dựa án này, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan bàn thảo, phân tích, tính toán, đề xuất "phương án cuối cùng".
Các phương án phải làm rõ giải pháp về xử lý tài sản trên đất, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề liên quan đến đất đai,… Đối với việc xử lý dây truyền, máy móc, trang thiết bị, phải tính toán kỷ lượng để đạt hiệu quả cao nhất có thể. Không thể bán cả dây truyền, thì phải tính toán bán từng bộ phận,…
Đối với tỉnh Long An, nếu dự án chấm dứt, thì tỉnh sẽ thu hồi và quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trước 15/4/2023 phải trình Ban Chỉ đạo, để Ban Chỉ đạo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nhấn mạnh tinh thần xử lý dự án phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các giải pháp phải công khai, minh bạch và công bằng giữa các bên liên quan, khi khó khăn thì "phải ngồi với nhau để cùng thống nhất xử lý theo tinh thần có lợi thì cùng hưởng, còn rủi ro phải chia sẻ",…