Đề xuất phương án tăng vốn 'khủng' cho nhóm Big 4 ngân hàng
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn cho cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Theo báo cáo, trong 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV), nguồn vốn tăng vốn điều lệ cho BIDV sẽ lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021, còn Vietcombank và VietinBank sẽ hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…
Ngoài ra, để nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, trên cơ sở đề xuất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/3/2023 phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019, từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Tai Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 27.685 tỷ đồng. Nguồn sử đụng để phát hành là từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lãi lũy kế đến hết năm 2018.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ năm 2023 của BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21,7% lên 61.557 tỷ đồng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).
Còn đối với VietinBank, tại ĐHĐCĐ năm 2023, ngân hàng đã thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không.
Trước đó, NHNN đã trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về một số nội dung tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước số tiền 17.100 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng; năm 2024 là 10.347 tỷ đồng).
Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Agribank cho rằng số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng đến năm 2024. "Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng", Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.
Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước , thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, NHNN cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: HDBank, MB, ACB, VIB, TPBank, LPBank, Bac A Bank, Viet A Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, KienLong Bank, Nam A Bank, NCB, và VPBank.
Đối với các công ty tài chính, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 6 công ty: Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), Công ty Tài chính Lotte (Lotte Finance), Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVNFinance), Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD Saison), Công ty Cho thuê tài chính TNHH MTV Quốc tế Chailease, và Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei.