Đề xuất quỹ 500 tỷ euro hỗ trợ phục hồi kinh tế do dịch Covid-19: Nỗ lực tái thiết châu Âu
Gác lại những bất đồng trong quá khứ và nỗ lực chứng tỏ liên minh Pháp - Đức vẫn là trụ cột của châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa đề xuất quỹ trị giá 500 tỷ euro (542 tỷ USD) để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Tổng thống Pháp E.Macron họp trực tuyến với Thủ tướng Đức A.Merkel ngày 18-5.
Trong một tuyên bố chung sau cuộc hội đàm trực tuyến hôm 18-5, hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đầu tàu EU cho biết, 500 tỷ euro sẽ được đưa đến "các lĩnh vực và địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất" trong khối 27 thành viên. Giữa lúc nền kinh tế châu lục phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, Tổng thống E.Macron thừa nhận rằng EU đã không đáp ứng kỳ vọng trong ứng phó ban đầu với dịch bệnh và cần phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực y tế. Trong khi đó, Thủ tướng A.Merkel nhấn mạnh sự cần thiết và công bằng của quỹ tái thiết mà theo kế hoạch sẽ được dần hoàn trả thông qua một số ngân sách của EU trong tương lai.
Đề xuất quỹ phục hồi trị giá 500 tỷ euro đánh dấu sự thay đổi lớn của Đức, quốc gia cho đến nay đã từ chối lời kêu gọi của Tây Ban Nha và Italia về chương trình có tên gọi “Trái phiếu corona” vốn gây tranh cãi. Đây là một cơ chế gộp nợ chung nhằm giảm nhẹ tác động về kinh tế đối với các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Việc phát hành trái phiếu ghi nợ chung này sẽ cho phép những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh huy động các nguồn quỹ trên thị trường tài chính dưới sự bảo trợ của EU. 9 quốc gia, trong đó có Pháp, Italia, Tây Ban Nha ủng hộ "Trái phiếu corona", nhưng một số quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan vẫn kiên quyết phản đối vì không muốn kinh tế của mình gắn với các nước Nam Âu đang có mức nợ công cao. Điều này khiến EU rơi vào tình trạng mất đoàn kết trước cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ chưa từng có.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen đánh giá, đề xuất của Pháp và Đức mang tính xây dựng, trong khi chuyên gia Lucas Guttenberg thuộc Trường Quản trị Hertie ở Berlin (Đức) nhận định, đây là hướng đi đúng nhằm tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, mặc dù có thỏa thuận rộng rãi giữa các thành viên EU về nhu cầu cứu trợ khẩn cấp, nhưng những khác biệt vốn xuất hiện từ trước đây có thể sẽ trì hoãn việc thực hiện các chương trình phục hồi lớn. Nói cách khác, kế hoạch của bà A.Merkel và ông E.Macron sẽ phải đối mặt với cuộc đàm phán căng thẳng giữa các nước EU và sau đó là cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu, nơi đã nhắm đến một gói hỗ trợ thậm chí còn lớn hơn.
Tổng thống E.Macron cho biết, vẫn tồn tại bất đồng giữa chính phủ các nước EU về việc quỹ đề xuất nên chuyển tiền trợ cấp hay chỉ đơn giản là các khoản cho vay. Theo nhà lãnh đạo Pháp, việc tăng các khoản vay sẽ gây tác dụng ngược khi làm tăng nợ ở những quốc gia như Italia, Bỉ, Hy Lạp. Do đó, để giải quyết khủng hoảng, Pháp đề xuất cả khối đóng góp và bảo lãnh nợ chung. Trong khi đó, Áo khẳng định bất kỳ sự giúp đỡ nào cũng phải ở dạng cho vay, không phải là các khoản "cho không".
Châu Âu mới bắt đầu mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2 vốn gây tổn thương nặng nề cho các nền kinh tế khu vực. Trong bối cảnh này, giới phân tích nhận định, sự chia rẽ của các thành viên EU đang đe dọa thị trường chung cũng như khả năng hồi phục kinh tế của khu vực. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm EU phải thúc đẩy sự đoàn kết, cùng tìm ra hướng đi để nhanh chóng chấm dứt đà suy thoái kinh tế đang bao trùm Lục địa già.